MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh đào Giang Hoài thuộc tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc. Ảnh: CFP

Trung Quốc phát triển thần tốc mạng lưới giao thông đa chiều

Hải Nguyễn LDO | 23/01/2024 10:09

Trung Quốc đã xây dựng mới 1.700 km đường sắt cao tốc, hơn 7.000 km đường cao tốc đã được mở rộng hoặc cải tạo và 1.000 km đường thủy cao cấp đã được bổ sung hoặc cải tiến trong 11 tháng đầu năm 2023.

Đầu tư tài sản cố định vào lĩnh vực giao thông vận tải đạt 3,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (khoảng 500 tỉ USD) trong 11 tháng đầu năm 2023. Việc mở rộng mạng lưới giao thông đa chiều giúp thúc đẩy kết nối và tăng trưởng kinh tế, theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.

Trong giai đoạn 11 tháng đầu năm 2023, đất nước tỉ dân này cũng đã kịp xây dựng thêm hai sân bay vận tải dân sự đã được chứng nhận. Tổng quãng đường vận chuyển đường sắt đô thị của đất nước đã tăng hơn 360 km.

Được đưa vào hoạt động vào năm 2023, kênh Giang Hoài ở tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc là một phần của dự án nước lớn nhằm chuyển nước từ sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, sang sông Hoài Hà.

Theo Tân Hoa Xã, dự án chuyển hướng nước dài 723 km và mất 6 năm để xây dựng sẽ cung cấp nước cho 15 thành phố ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc và tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Dự án sẽ mang lại lợi ích cho hơn 50 triệu người.

Sông Hoài Hà là một phần phụ lưu của sông Hoàng Hà, khi kết nối với hồ Sào Hồ và sông Dương Tử, tuyến đường thủy này là một kênh nhân tạo lớn khác song song với Kênh đào lớn Bắc Kinh-Hàng Châu.

Việc mở kênh Giang Hoài cho phép vận chuyển trực tiếp từ trung và thượng lưu sông Hoài Hà đến trung và thượng lưu sông Dương Tử mà không cần đi đường vòng dọc theo kênh Bắc Kinh-Hàng Châu, rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ 200 đến 600 km.

Zhao Hu - một thủy thủ tàu - cho biết: “Trước đây, phải mất bảy đến tám ngày để đến Vu Hồ, nhưng bây giờ chỉ mất bốn đến năm ngày, tiết kiệm được 6.000 đến 7.000 nhân dân tệ chi phí vận chuyển”.

"Việc mở kênh Giang Hoài có thể tiết kiệm hơn 6 tỉ nhân dân tệ vận chuyển hàng rời ở nội địa mỗi năm, giảm lượng khí thải carbon gần 1,8 triệu tấn và giảm chi phí hậu cần của các doanh nghiệp công nghiệp dọc tuyến từ 5 đến 10%" - Chen Jing thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết.

Đến cuối năm 2022, tỉ lệ hoàn thành siêu dự án xây dựng mạng lưới giao thông quốc gia hiện đại, chất lượng cao và toàn diện của Trung Quốc là khoảng 79%, với quy mô tổng cộng hơn 6 triệu km. Trong đó, có khoảng 16.500 km đường thủy cao cấp.

Đất nước này cũng tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với quãng đường hoạt động là 42.000 km và mạng lưới đường cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài 177.000 km. Tính đến cuối năm 2022, Trung Quốc có 254 sân bay vận tải dân dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn