MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án lưu trữ năng lượng khí nén 300 MW đầu tiên thế giới ở Trung Quốc. Ảnh chụp màn hình

Trung Quốc sắp khai thác thương mại dự án đột phá về năng lượng

Ngọc Vân LDO | 09/03/2024 19:15

Trung Quốc sắp khai thác dự án lưu trữ năng lượng khí nén 300 MW đầu tiên thế giới.

Dự án lưu trữ năng lượng khí nén 300 MW đầu tiên trên thế giới ở Ứng Thành, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, sẽ sớm được đưa vào hoạt động thương mại - ông Song Hailiang, thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đồng thời là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (CEEC), nói với Hoàn cầu Thời báo.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong tuần này cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường xây dựng hệ sinh thái xanh, thúc đẩy phát triển xanh và ít carbon trong năm 2024.

Ông Song Hailiang nói, CEEC đóng góp các giải pháp xây dựng năng lượng tối ưu hơn để xây dựng một thế giới tươi đẹp, thông minh và hài hòa, ít carbon.

Ông tuyên bố, trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng toàn diện, CEEC đã liên tiếp xây dựng các nhà máy lưu trữ năng lượng khí nén ở tỉnh Hồ Bắc, Sơn Đông, Cam Túc và Liêu Ninh, dẫn đầu về công nghệ, giải pháp và sinh thái công nghiệp.

Trong số đó, dự án Ứng Thành ở Hồ Bắc là dự án lưu trữ năng lượng khí nén công suất 300 MW đầu tiên trên thế giới, sẽ sớm được đưa vào vận hành thương mại.

Dự án Tửu Tuyền ở Cam Túc là dự án lưu trữ năng lượng khí nén trong hang động nhân tạo công suất 300 MW đầu tiên trên thế giới, giải quyết những hạn chế về mặt địa lý trong việc lưu trữ năng lượng khí nén.

Ông Song cho biết, hiện tại CEEC có hoạt động kinh doanh tại hơn 140 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 100.000 nhân viên kinh doanh quốc tế, đứng trong top 5 doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các dự án nước ngoài về số lượng hợp đồng.

Theo ông Song, các dự án ở nước ngoài của CEEC có ba đặc điểm chính. Đầu tiên, chúng có quy mô lớn, chẳng hạn như nhà máy thủy điện Nestor Kirchner-Jorge Cepernic nằm trên sông Santa Cruz ở Argentina. Đây là dự án thủy điện lớn nhất ở nước ngoài do các doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.

Thứ hai, tận dụng tốt lợi thế của toàn ngành, với năng lực dịch vụ tích hợp mạnh mẽ từ khảo sát lập kế hoạch, thiết kế đến đầu tư xây dựng và vận hành.

Thứ ba, trình độ công nghệ tiếp tục được nâng cấp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng mới, đặc biệt là trong xây dựng tích hợp năng lượng gió, mặt trời, thủy điện và lưu trữ.

Ông Song lưu ý: “Đối mặt với mô hình và xu hướng phát triển năng lượng toàn cầu mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội quý giá”.

Ông đề nghị, trong tương lai, Trung Quốc nên tối ưu hóa hơn nữa thiết kế cấp cao nhất ở cấp quốc gia, tiếp tục điều chỉnh và cải thiện hệ thống hỗ trợ tài chính, đẩy nhanh việc thiết lập nền tảng đầu tư lớn để cùng phát triển sản xuất, tài chính, công nghệ và cùng nhau tạo ra các nền tảng liên doanh và các tổ chức liên minh bao gồm các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp quốc tế để cùng thúc đẩy sự phát triển ổn định và sâu rộng của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn