MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc xác định thảm họa tiềm ẩn ở đập Tam Hiệp

Ngọc Vân LDO | 23/08/2021 10:12
Trung Quốc xác định các thảm họa địa chất tiềm ẩn ở đập Tam Hiệp và các khu vực có nguy cơ cao nhờ vệ tinh viễn thám.

Với sự trợ giúp của vệ tinh viễn thám, Trung Quốc đã hoàn thành việc xác định các thảm họa địa chất tiềm ẩn ở những khu vực có nguy cơ cao, bao gồm các khu vực như dự án đập Tam Hiệp và các khu vực đông nam ở Khu tự trị Tây Tạng, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc cho biết.

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên hôm 20.8, vệ tinh viễn thám đã phát hiện tổng cộng 8.450 mối nguy hiểm tiềm tàng trong năm 2020 tại 9 tỉnh có rủi ro thiên tai địa chất cao ở Trung Quốc. Các mối nguy hiểm chủ yếu là lở đá trên đỉnh núi và độ dốc lớn không ổn định.

Năm khu vực phân bố thảm họa địa chất điển hình đã được khảo sát hoàn toàn bao gồm khu vực thượng nguồn sông Hoàng Hà, khu vực địa chấn cao ở tỉnh Tứ Xuyên, khu vực đông nam của Tây Tạng, khu vực tây bắc của tỉnh Vân Nam, và khu vực hồ chứa đập Tam Hiệp.

Đập Tam Hiệp. Ảnh: Xinhua

Việc xây dựng và vận hành an toàn dự án đập Tam Hiệp đã phải đối mặt với các thử nghiệm về thảm họa địa chất, nhưng Trung Quốc vẫn tích cực theo dõi các mối nguy tiềm ẩn trong khu vực này.

Một trung tâm giám sát và cảnh báo sớm của hồ chứa Tam Hiệp thuộc Bộ Tài nguyên đã làm việc với chính quyền địa phương ở Hồ Bắc và Trùng Khánh để xây dựng một hệ thống giám sát, bao gồm các chuyên gia, công chúng và phân tích máy tính.

Những nỗ lực trong công tác phòng chống và kiểm soát các thảm họa địa chất tại khu vực hồ chứa Tam Hiệp đã đạt được mức "không thương vong" trong 17 năm liên tục, đảm bảo an toàn địa chất trong khu vực.

Năm 2008, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tam Hiệp về các hiểm họa địa chất. Công việc của trung tâm bao gồm "Hệ thống dự báo và cảnh báo nguy cơ địa chất trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp".

Báo Tài nguyên Thiên nhiên cho biết, khu vực hồ Tam Hiệp có tình hình địa chất phức tạp, thường xuyên xảy ra bão lũ. Hơn nữa, kể từ khi tích nước, hàng năm, hồ chứa đã có sự thay đổi mực nước 30 mét.

Ngoài ra, ở một mức độ nào đó, các điều kiện địa chất của bờ kè dốc hồ chứa Tam Hiệp đã bị thay đổi, và sự xuất hiện của các tai hoạ địa chất trong khu vực hồ chứa đã trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, theo một tuyên bố của Tập đoàn Tam Hiệp vào tháng 7.2020, "hoạt động của các tòa nhà và nền móng của đập Tam Hiệp đều bình thường, an toàn và đáng tin cậy".

Trung Quốc phóng vệ tinh viễn thám tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền vào ngày 30.4.2021. Ảnh: Chinadaily

Theo báo cáo ngày 20.8, vệ tinh viễn thám đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, giúp theo dõi hệ sinh thái rạn san hô, theo dõi thời tiết ở quận Diên Khánh của Bắc Kinh trong Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp tới.

Shen Xuhui, kỹ sư trưởng của Học viện Phòng chống và Kiểm soát Thiên tai Quốc gia, cho biết vệ tinh viễn thám có độ phân giải cao thường được sử dụng để xác định các nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai như động đất và các yếu tố địa chất khác. Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt thường xuyên gần đây, công nghệ này cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và cứu trợ thiên tai.

"Trên cơ sở đưa ra cảnh báo, dự báo thời tiết cực đoan, các bộ phận liên quan và đội ngũ khoa học và công nghệ có thể tập trung vào những nguy cơ tiềm ẩn của thiên tai như sạt lở đất, lở bùn, để sẵn sàng các phương án khẩn cấp hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của" - Shen Xuhui nói.

Trung Quốc có 19 vệ tinh viễn thám tài nguyên thiên nhiên trên quỹ đạo, và về cơ bản nước này đã thực hiện được việc chia sẻ dữ liệu về đất liền, bản đồ, đại dương, địa chất, khai thác mỏ, lâm nghiệp và cỏ. Các vệ tinh trên đất liền đã tạo ra hơn 1,73 triệu mục dữ liệu và các vệ tinh trên biển đã tạo ra hơn 2,74 triệu mục dữ liệu.

Điều tra các thảm họa địa chất tiềm ẩn lớn là một phần quan trọng của hệ thống được công nghệ vệ tinh viễn thám hỗ trợ. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để bảo vệ tài nguyên quý hiếm, ước tính năng lực công nghiệp nặng, thăm dò phân bố sông băng và bảo vệ đất canh tác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn