MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc xây kính thiên văn mạnh nhất khảo sát toàn bộ bầu trời

Khánh Minh LDO | 12/05/2021 17:30

Trung Quốc bắt đầu xây kính thiên văn trường rộng và độ phân giải cao có thể khảo sát toàn bộ bầu trời từ Bắc bán cầu.

Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc bắt đầu xây dựng Kính thiên văn Khảo sát Trường rộng (WFST) có đường kính 2,5 mét ở thị trấn Lãnh Hồ, tỉnh Thanh Hải, tây bắc đất nước.

Thị trấn Lãnh Hồ nằm ở độ cao trung bình khoảng 4.200 mét, được gọi là "Trại sao Hỏa" của Trung Quốc do cảnh quan sa mạc bị xói mòn kỳ lạ giống bề mặt của hành tinh đỏ.

Mô hình kính thiên văn trường rộng của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua/China Daily

Với vốn đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (khoảng 31 triệu USD), dự án kính thiên văn đã được khởi động vào năm 2017 bởi một số tổ chức nghiên cứu, bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đài quan sát Núi Tím của Học viện Khoa học Trung Quốc. Sau khi hoàn thành, nó sẽ có thể khảo sát toàn bộ bầu trời từ Bắc bán cầu ba đêm một lần.

"WFST sẽ trở thành kính thiên văn khảo sát bầu trời mạnh nhất ở Bắc bán cầu" - Kong Xu, nhà thiết kế chính của dự án và là giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết tại buổi lễ khởi động dự án hôm 11.5.

Với kính viễn vọng này, các nhà khoa học Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá trong một số lĩnh vực bao gồm thiên văn học miền thời gian (time-domain astronomy - nghiên cứu về cách vật thể thiên văn thay đổi theo thời gian), tìm kiếm các thiên thể ngoài hệ mặt trời và nghiên cứu cấu trúc Dải Ngân hà - ông Kong cho biết.

Theo China Daily, việc xây dựng WFST dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2022 và kính thiên văn sẽ bắt đầu khảo sát bầu trời đêm vào khoảng năm 2023.

WFST có máy ảnh 750 triệu pixel nặng 1,5 tấn, thu thập khoảng 400 terabyte dữ liệu hình ảnh hàng năm trong thời gian hoạt động 6 năm - theo Zheng Xianzhong, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Núi Tím thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc.

Tốc độ khảo sát này ngang bằng với Kính thiên văn khảo sát tổng quát rộng (LSST - Large Synoptic Survey Telescope) ở Chile - kính thiên văn trường rộng hàng đầu thế giới với đường kính 8,4 mét, được trang bị camera 3,2 tỉ pixel và được sử dụng để khảo sát bầu trời Nam bán cầu.

WFST là kinh thiên văn "bổ sung và có sức mạnh tổng hợp với LSST về khả năng tiếp cận bầu trời và khoa học. WFST là một cỗ máy khảo sát mạnh mẽ và thời gian khảo sát 6 năm của nó sẽ mang lại hình ảnh sâu nhất về bầu trời Bắc bán cầu, cung cấp dữ liệu quan trọng cho nhiều nghiên cứu khoa học" - Zheng nói.

Mỹ hiện có Trạm quan sát bầu trời bằng kỹ thuật số Sloan ở New Mexico cũng sử dụng kính thiên văn góc rộng 2,5 mét, nhưng nó không thể khảo sát toàn bộ bầu trời Bắc bán cầu.

Christian Ready, một giảng viên thiên văn học tại Đại học Towson, Mỹ, cho biết, hầu hết các kính viễn vọng nghiên cứu vũ trụ bằng cách tập trung vào một khu vực tương đối nhỏ của bầu trời trong tối đa vài giờ tại một thời điểm.

"Nhưng phần còn lại của bầu trời không ngồi yên. Có tới 1 triệu siêu tân tinh phát nổ trong các thiên hà xa xôi mỗi ngày, nhưng để theo dõi sự thay đổi của bầu trời, chúng ta cần một kính viễn vọng không giống như bất cứ thứ gì được chế tạo trước đây" - Ready cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn