MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
FPSO thông minh đầu tiên được bàn giao tại Nam Thông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 16.6.2023. Ảnh: China Daily

Trung Quốc xuất xưởng tàu nổi dầu khí thông minh đầu tiên

Khánh Minh LDO | 19/06/2023 17:11
Trung Quốc xuất xưởng tàu nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FPSO) thông minh đầu tiên với hệ thống vận hành tích hợp đất liền và trên biển., đánh dấu bước đột phá trong ứng dụng công nghệ song sinh kĩ thuật số của nước này.

FPSO (Floating Production, Storage and Offloading) là một tàu nổi được sử dụng để tiếp nhận hỗn hợp hydrocarbon được khai thác từ các giàn khoan, sau đó xử lí, lưu trữ và chuyển lên một tàu chở dầu, hoặc được vận chuyển thông qua một hệ thống đường ống dẫn.

FPSO được sử dụng phổ biến ở ngoài khơi vì dễ dàng lắp đặt, và không đòi hỏi một cơ sở hạ tầng đường ống dẫn để xuất dầu.

Theo tờ China Daily, FPSO dầu khí ngoài khơi - tàu Haiyang Shiyou 123 - với sức chứa 100.000 tấn là FPSO đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc và sử dụng các công nghệ tiên tiến đa dạng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán biên, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và Internet vạn vật (IoT).

Tàu được trang bị hơn 8.000 cảm biến theo dõi dữ liệu về nhiệt độ, áp suất và mức nhiên liệu rồi truyền về phòng máy chủ.

Ngoài hệ thống trên tàu, Trung Quốc cũng đã chế tạo “bản sao ảo” của con tàu trên bờ tại trung tâm điều khiển thông minh ở thành phố Thâm Quyến, cách con tàu thật 1.000 km.

Bản sao ảo của con tàu ngoài khơi sẽ được sử dụng để giám sát quá trình sản xuất trong thời gian thực.

Tàu Haiyang Shiyou 123 xuất xưởng tại Nam Thông, tỉnh Giang Tô, hôm 16.6, đánh dấu bước đột phá trong ứng dụng công nghệ song sinh kĩ thuật số của nước này.

Các giàn khai thác và xử lí dầu khí nổi đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm ngoái, nhu cầu đối với các kho chứa nổi và tái hóa khí LNG (LNG-FSRU) gia tăng mạnh khi châu Âu cấp tập lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước mùa đông.

Nhu cầu nhập khẩu LNG tăng vọt sau khi hệ thống đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu - Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) - bị vỡ, dập tắt bất kì triển vọng nào về việc Nga sẽ cung cấp lại khí đốt qua đường ống. Điều này buộc hàng chục quốc gia ở châu Âu chuyển sang sử dụng FSRU hoặc nhà ga LNG nổi để dỡ nhiên liệu siêu lạnh và đưa vào mạng lưới trên bờ.

Hiện tại, có 48 FSRU đang hoạt động trên toàn cầu. Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy ở Na Uy tiết lộ rằng 42 trong số đó hoạt động theo các hợp đồng có thời hạn.

Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, EU đã lên kế hoạch cho 19 dự án FSRU mới với chi phí ước tính 9,5 tỉ euro.

Những người hưởng lợi lớn nhất là ngành đóng tàu Hàn Quốc, trong đó FSRU là nguồn tạo ra doanh thu chính. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực FSRU và gần đây đã xây dựng FSRU amoniac đầu tiên của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn