MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Hàn Quốc và lãnh đạo Triều Tiên hôm 27.4. Ảnh: Reuters

Trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Lạc quan và thận trọng

HẢI ANH LDO | 02/05/2018 09:45
Sau những kết quả tích cực tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên, nhiều kỳ vọng được đặt vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra trong vài tuần tới.

Bàn Môn Điếm tiếp tục ghi dấu lịch sử?

Trong tuần qua, nhiều lần Tổng thống Donald Trump đưa ý tưởng gặp ông Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm thay vì một nước thứ ba nào đó - như ông đề cập trong các cuộc họp báo cũng như trên Twitter.

Những phát biểu gần đây của ông Donald Trump báo hiệu sự thay đổi trong cách nhìn của Mỹ với việc chọn địa điểm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nguồn tin của CNN tiết lộ, trong cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc, Bàn Môn Điếm là địa điểm được đề cập.

Trước đó, Bàn Môn Điếm không phải là phương án khả quan cho cuộc gặp lịch sử này, nhưng những hình ảnh ấn tượng giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc tại Bàn Môn Điếm, bao gồm cả việc ông Moon Jae-in được mời bước chân qua giới tuyến quân sự sang phần lãnh thổ Triều Tiên vốn nằm ngoài kế hoạch, có thể dẫn tới lý do ông Donald Trump muốn chọn Bàn Môn Điếm, nhật báo Korea Joongang nhận định.

Theo nguồn tin của CNN, “khả năng cao” Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ tổ chức tại Bàn Môn Điếm và một số sự kiện có thể được lên kế hoạch ở phía bắc của đường phân giới. Địa điểm này cũng được đánh giá là thuận lợi nhất cho ông Kim Jong-un khi truyền thông và các thiết bị đã sẵn sàng.

Nguồn tin nói thêm, việc di chuyển đến phía bắc khu phi quân sự liên Triều (DMZ), bước sang lãnh thổ Triều Tiên là một cơ hội lịch sử cho ông Donald Trump. Nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức tại Bàn Môn Điếm có thể được tổ chức ở phía lãnh thổ Triều Tiên hoặc ông Donald Trump có thể thực hiện cử chỉ hòa giải tương tự ông Moon Jae-in. Hoặc ông Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử đặt chân tới lãnh thổ Triều Tiên.

Nhà Xanh hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm - một quan chức Nhà Xanh giấu tên cho biết. “Việc thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Bàn Môn Điếm sẽ mang lợi ích cho Hàn Quốc - ông Cheong Seong-chang - thành viên cao cấp của Học viện Sejong đánh giá. Ông lưu ý, nếu Tổng thống Mỹ ở Seoul trước và sau Hội nghị Thượng đỉnh Bàn Môn Điếm, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn sẽ có sự phối hợp sâu hơn và có thể chia sẻ ngay về kết quả. “Điều này đi đúng hướng cho Hàn Quốc - Mỹ về hợp tác trong chính sách với Triều Tiên” - ông nói.

Lạc quan và thận trọng

VOA cho biết, sự lạc quan, kỳ vọng về tương lai tốt đẹp tràn ngập Seoul sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ngày 27.4. Hàn Quốc hôm 1.5 bắt đầu dỡ bỏ giàn loa tuyên truyền ở biên giới, trong khi Triều Tiên phê chuẩn việc sử dụng múi giờ GMT+9, thống nhất với Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 5.5. Lãnh đạo Triều Tiên cho hay, việc thống nhất múi giờ là “động thái thực tế đầu tiên cho hòa giải và đoàn kết dân tộc”, theo KCNA. Thêm vào đó, Triều Tiên sẽ mời các chuyên gia quốc tế và nhà báo đến chứng kiến việc đóng cửa bãi thử hạt nhân trong tháng 5.

Cuộc khảo sát do Realmeter thực hiện sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều cho thấy, hơn 64% số người Hàn Quốc được hỏi tin rằng Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa. Tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in tăng lên hơn 70% và được sự đánh giá cao của các cử tri bảo thủ.

Tuy nhiên, kết quả đạt được ở thượng đỉnh liên Triều chỉ là khởi đầu. Dù ủng hộ những kết quả đạt được cho đến nay, Mỹ vẫn trông đợi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược của Triều Tiên trước khi nới lỏng trừng phạt kinh tế. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng, ông Kim Jong-un cần có những ý tưởng “cụ thể và hữu hình” việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng thận trọng với khả năng Triều Tiên không giữ các cam kết. Ngoài ra, ông kêu gọi lãnh đạo ở Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ bị giam giữ như động thái thể hiện sự chân thành.

Cá nhân Tổng thống Donald Trump dường như cũng nỗ lực cân bằng giữa lạc quan và hoài nghi. “Chúng ta chờ xem những gì sẽ xảy ra. Tôi thường nói, ai biết trước được? Có thể nhiều thứ sẽ thay đổi”, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn