MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã sản xuất và đóng góp cho hệ thống điện quốc gia trên 200 tỉ kWh điện. Ảnh: TTXVN

Truyền thông Nga: Một Việt Nam bứt phá sau 35 năm Đổi mới

Song Minh LDO | 27/01/2021 11:25

Hãng tin Sputnik của Nga đăng bài viết "Một Việt Nam bứt phá sau 35 năm Đổi mới" của tác giả Taras Ivanov, trong đó nhấn mạnh những thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục... của Việt Nam, đồng thời lý giải "bí quyết" để Việt Nam phát triển như ngày nay.

Đổi mới: Chìa khóa mở ra vận hội mới

Tác giả Taras Ivanov khẳng định, đường lối Đổi mới do Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12.1986) đề ra, được các Đại hội sau tiếp tục hoàn thiện và phát triển, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mục đích của Đổi mới là nhằm tìm kiếm con đường đi lên xã hội chủ nghĩa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), sự phát triển của Việt Nam trong vòng 35 năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Những cải cách kinh tế và chính trị dưới thời Đổi mới, được thực hiện từ năm 1986, đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Từ năm 2002 - 2018, GDP bình quân đầu người tăng 2,7 lần, đạt hơn 2.700 USD vào năm 2019, với hơn 45 triệu người đã thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống dưới 6%. Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện sức mạnh và khả năng phục hồi nhanh chóng bởi nhu cầu tiêu dùng trong nước mạnh mẽ và sản xuất hướng tới xuất khẩu. GDP thực tế ước tính tăng 7% vào năm 2019. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng thể hiện được khả năng phục hồi đáng nể. WB đánh giá tác động của COVID-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng như các nước khác do Việt Nam nhanh chóng áp dụng các biện pháp chủ động ở cấp quốc gia và địa phương. Khuôn khổ kinh tế vĩ mô và tài khóa vẫn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP ​​đạt 2,91% cho cả năm. Bài viết dẫn lời Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua. Việt Nam đã đạt được những kết quả vượt bậc, tăng trưởng dương ở mức 2,91%, tất cả các cán cân lớn đều được đảm bảo.

Theo Sputnik, đầu tư công chiếm tỉ trọng lớn và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam xuyên suốt 35 năm Đổi mới. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 được đề ra tại Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ cấu đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng giảm dần theo hướng phù hợp với kinh tế thị trường và bối cảnh khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, cũng như khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng.

Chuyển đổi số: Chất xúc tác cho nền kinh tế Việt Nam

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam ý thức được rõ “chuyển đổi số” đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế sau 35 năm Đổi mới, tác giả Taras Ivanov nhấn mạnh. Trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, con người luôn là nhân tố được đặt ở vị trí trung tâm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định rằng, 2020 là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số”.

Tại lễ khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai trương Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 ngày 9.1.2021 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Đây là nền tảng quan trọng, là bệ phóng cho sắp tới.

Trong vòng 7 năm (2014 - 2020), Việt Nam đã tiến 29 bậc, từ vị trí 71 lên vị trí 42/131 quốc gia/nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố. Đặc biệt khi dịch COVID-19 xuất hiện đã cho thấy sự chuyển đổi linh hoạt của người Việt nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào y tế

Giai đoạn 35 năm (1986 - 2021) đánh dấu những tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế Việt Nam, không chỉ trong công tác nghiên cứu mà còn trong phát triển và ứng dụng công nghệ. Những thành tựu mà ngành Y tế Việt Nam đặt được trong thời gian qua đã gây tiếng vang lớn trên thế giới như sản xuất vaccine phòng bệnh, ghép tạng...

Việt Nam hoàn toàn tự hào khi là một trong số ít các quốc gia kiểm soát, ngăn ngừa nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS, Cúm A/H7N9... và gần đây nhất là dịch COVID-19.

Chiến thắng COVID-19 của Việt Nam được đánh giá là một hiện tượng của thế giới. COVID-19 là “cú hích” mang lại nhiều thay đổi cho nền Y tế Việt Nam, các ứng dụng công nghệ được áp dụng triệt để như ứng dụng truy vết COVID-19 Bluezone hay sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tuyên truyền về cách thức phòng chống dịch bệnh. Tất cả các hoạt động trên được triển khai trong khuôn khổ Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6.2020, trong đó, y tế được xếp ở vị trí đầu tiên.

Bài báo nhấn mạnh, trong suốt 35 năm qua, sức khỏe của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, song song với mức sống ngày càng tăng. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của Việt Nam ở mức 73 - cao hơn mức trung bình của khu vực và toàn cầu - với 87% dân số được bao phủ.

Giáo dục: Cốt lõi của phát triển

Nhìn lại hành trình 35 năm công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Việt Nam có nhiều thay đổi, phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Chất lượng giáo dục của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng đầu tại Đông Nam Á.

Trong 6 nước tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Philippines, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học. Nhận xét về kết quả của của Việt Nam trong Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM), Trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF tại Việt Nam, bà Simone Vis, cho biết "rất ấn tượng" với thành tích này.

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát vào đầu tháng 2.2020, Việt Nam cũng hoàn thành mục tiêu kép - học tập an toàn trong đại dịch. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29.9.2020 nhận xét: "Việc học trực tuyến để phòng chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn