MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Vũ Thanh Ca. Ảnh: SONG MINH

“Tứ Sa” - yêu sách ngang ngược, sai trái của Trung Quốc

PGS-TS Vũ Thanh Ca - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu biển và hải đảo LDO | 08/05/2020 07:20

Được thai nghén từ cuối năm 2016, vào cuối năm 2019 và đầu 2020, Trung Quốc đã chính thức công bố yêu sách “Tứ Sa” trong các Công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc với mục đích thay thế yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ.

Bản chất của yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc bao gồm 3 điểm: 1) Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với Nam Hải Chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield); 2) Các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo và 3) Các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.

Trái quy định của UNCLOS

Chúng ta hãy xem xét yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). UNCLOS quy định rõ chỉ có các “quốc gia quần đảo”, được tạo thành toàn bộ bởi một hay nhiều hơn một quần đảo, có thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm phía ngoài của các đảo ngoài cùng và các rạn san hô nổi của một quần đảo với một số điều kiện nổi bật như sau:

1) Tỉ lệ giữa diện tích mặt nước nằm bên trong đường cơ sở thẳng quần đảo và tổng diện tích mặt đất (của các đảo, đảo đá nổi trên mặt nước khi triều cao) nằm trong khoảng từ 1:1 tới 1:9;

2) Chiều dài mỗi đoạn thẳng của đường cơ sở không qua 100 hải lý và chỉ có không quá 3% số đoạn thẳng có chiều dài vượt quá 100 hải lý nhưng không được vượt quá 125 hải lý. 

Ngoài ra, UNCLOS còn nêu rõ “các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.

Hãy xem xét chế độ pháp lý của các quần đảo mà Trung Quốc viện dẫn để thấy rõ hơn những sai trái trong yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc.

Có thể thấy ngay rằng, Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo “được tạo thành toàn bộ bởi một hay nhiều hơn một quần đảo”, nên việc vạch đường cơ sở thẳng quần đảo để nối các đảo ở bên ngoài “Tứ Sa” là hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS. 

Trước hết hãy xem xét Trung Sa (Macclesfield Bank), một bãi ngầm có độ sâu ít nhất là 9,2m và theo quy định của UNCLOS thì không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Theo học giả và nhà báo Bill Hayton của Học viện Chatham, Anh, vì hoàn toàn không có kiến thức về các bãi ngầm trên Biển Đông nên ngày trước, khi dịch tên gọi một loạt các đá ngầm từ tiếng Anh sang tiếng Trung, Trung Quốc đã dịch một cách máy móc các từ “bank” hoặc “shoal” thành đảo hoặc bãi cát. Chính sai lầm ngớ ngẩn này đã khiến Trung Quốc đặt tên cho bãi ngầm Macclesfield thành “quần đảo Nam Sa” và sau đó đổi tên thành “quần đảo Trung Sa” vào năm 1947. 

Với những kiến thức địa lý hiện nay, việc viện dẫn “quần đảo Trung Sa” để tạo thành cái gọi là “Tứ Sa” lại càng ngớ ngẩn hơn nữa. Gần đây, Trung Quốc còn mở rộng “quần đảo Trung Sa” để bao gồm một số bãi cạn và bãi ngầm khác trong Biển Đông, như bãi cạn Scarborough, bãi cạn St. Esprit... Tuy vậy, vì các bãi cạn này cách rất xa bãi ngầm Macclesfield nên việc mở rộng này cực kỳ khiên cưỡng.

Phán quyết của PCA năm 2016 đã giải thích rõ khái niệm “phù hợp cho con người sinh sống” của UNCLOS và tuyên bố rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là các đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài ra, xem xét các điều kiện khác, PCA cũng phán quyết rằng “các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất”.

Mưu toan viết lại UNCLOS

Đối chiếu các lập luận của Tòa đối với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), có thể thấy rằng các đảo này với các điều kiện tự nhiên của nó trước đây chưa bao giờ có một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là các hoạt động khai thác tài nguyên; tỉ lệ diện tích mặt đất và nước tại khu vực quần đảo nhỏ hơn tỉ lệ 1:9 rất nhiều; nên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ là các đảo đá và không thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các đảo trên quần đảo này để tạo thành “vùng nước quần đảo”.

“Sa” cuối cùng trong “Tứ Sa”, “quần đảo Pratas” đang do Đài Loan (Trung Quốc) kiểm soát, thực chất là tập hợp các bãi san hô chỉ nhô lên khỏi mặt nước khi triều xuống, ngoại trừ một đảo đá san hô nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều cao. Như vậy, đảo đá san hô này cũng không thể được coi là “quần đảo” mà chỉ là một đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Bằng cách sử dụng chiến thuật yêu sách “Tứ Sa”, Trung Quốc mưu toan lợi dụng các thuật ngữ của UNCLOS nhằm viết lại UNCLOS. Kết hợp với chiến thuật dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, quấy rối theo chiến thuật cây bắp cải và vùng xám, dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc các nước xung quanh Biển Đông cũng như ngoài khu vực Biển Đông, Trung Quốc muốn biến các lập luận phi lý của mình thành hiện thực để độc chiếm Biển Đông.

Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã bị nhiều học giả vạch trần. Phân tích của nhiều học giả cho thấy cơ sở pháp lý của cái gọi là “Tứ Sa” của Trung Quốc thậm chí còn yếu hơn “đường lưỡi bò” ngớ ngẩn của Trung Quốc. Yêu sách này của Trung Quốc cũng đã bị Việt Nam bác bỏ trong Công hàm số 22/HC-2020 gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn