MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ thảm kịch tàu ngầm Indonesia, nhìn ra thực trạng cứu hộ tàu ngầm quốc tế

Bảo Châu LDO | 04/05/2021 11:37
Trong nhiều thập kỷ, kể từ khi khu vực Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện nhiều tàu ngầm hơn, cũng là lúc xuất hiện nhiều cảnh báo về nguy cơ xảy ra sự cố. Trong bài viết trên Channel News Asia, tác giả Collin Koh - nhà nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore - phân tích về thực trạng của hoạt động cứu hộ tàu ngầm quốc tế hiện nay thông qua minh chứng là thảm họa tàu ngầm Indonesia trong những ngày vừa qua.

Tàu ngầm mất tích

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia được báo cáo mất tích kể từ lần cuối cùng liên lạc với đơn vị chỉ huy trên bờ trước khi lặn xuống đáy biển trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi đảo Bali của Indonesia ngày 21.4. Sau 3 ngày tìm kiếm, các nhà chức trách Indonesia cuối cùng đã công bố thông tin xấu nhất: 53 thành viên thủy thủ đoàn được xác nhận đã chết, các mảnh vỡ của tàu ngầm Nanggala đang được thu hồi. Tổn thất bi thảm này của Indonesia là vụ tai nạn tàu ngầm đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ưu tiên hàng đầu của các nhà chức trách Indonesia khi phát hiện tàu ngầm mất tích là nhanh chóng xác định vị trí tàu và chạy đua với thời gian để giải cứu những người có thể còn sống sót. Tuy nhiên, nhận thức rõ những hạn chế về nguồn lực của mình, quân đội Indonesia đã nhanh chóng tìm kiếm trợ giúp từ nước ngoài thông qua kênh Văn phòng Tìm kiếm và Cứu hộ tàu ​​ngầm Quốc tế (ISMERLO).

Phản ứng của quốc tế đối với lời kêu gọi giúp đỡ từ Indonesia đã được đưa ra nhanh chóng khi Australia, Ấn Độ, Malaysia và Mỹ cùng một số chính phủ nước ngoài khác đã ngay lập tức cử nguồn lực tới hỗ trợ công cuộc tìm kiếm. Hải quân Singapore cũng khẩn trương điều động tàu hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue có trang bị tàu lặn cứu hộ nước sâu (DSRV) lên đường giải cứu ngay trong chiều 21.4. Dù kết quả cuối cùng của cuộc tìm kiếm cứu hộ đã nhanh chóng chuyển thành hoạt động trục vớt, nhưng sự cố đối với tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia là minh chứng rõ nhất về tính hữu ích của các quy trình ứng phó khẩn cấp tàu ngầm quốc tế. Ngoài ra, nó cũng làm nổi bật ưu điểm của hợp tác khu vực trong việc hỗ trợ lẫn nhau.

Hạn chế về thời gian

Hợp tác quốc tế trong ứng phó khẩn cấp với sự cố tàu ngầm luôn có vai trò quan trọng. Các lực lượng nước ngoài có thể sở hữu những năng lực cần thiết mà một quốc gia đơn lẻ không có được. Điều này là rất quan trọng trong bất kỳ tình huống khẩn cấp tàu ngầm nào.

Tuy nhiên, các phản ứng khẩn cấp trước sự cố tàu ngầm về bản chất là một cuộc chạy đua với thời gian. Về mặt này, hợp tác quốc tế mặc dù quan trọng, nhưng đã bộc lộ những hạn chế. Đó là sự trở ngại về khoảng cách địa lý khi quân đội nước ngoài triển khai thiết bị cứu hộ đến nơi xảy ra sự cố.

Ngay cả đối với một quốc gia láng giềng trong khu vực của Indonesia là Singapore, việc vận chuyển một chiếc DSRV đòi hỏi phải có một tàu cứu hộ lớn như MV Swift Rescue được trang bị đầy đủ, chuẩn bị sẵn sàng tại cảng biển gần nhất.

Với quãng đường hơn 1.500km từ Căn cứ Hải quân Changi của Singapore đến địa điểm tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích ngoài khơi đảo Bali, Indonesia, trong điều kiện tốt nhất, tàu cứu hộ Swift Rescue xuất phát từ chiều 21.4 sẽ chỉ đến nơi sớm nhất vào chiều tối ngày 23.4. Lúc này cơ hội cứu hộ còn lại rất hạn chế khi nguồn ôxy dự trữ trên tàu ngầm Nanggala được ước tính sẽ cạn kiệt vào 3h sáng ngày 24.4.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng góp phần cản trở nỗ lực cứu hộ, đặc biệt là thời tiết và điều kiện biển.

Tương lai phát triển các hạm đội tàu ngầm ở Đông Nam Á

Tất nhiên, thảm kịch tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia không làm giảm đi nhiệt huyết trang bị tàu ngầm của hải quân khu vực.

Ngoài Indonesia, Malaysia đang nghĩ đến việc mở rộng hạm đội tàu ngầm, Thái Lan đang tự phát triển mẫu tàu ngầm nội địa và Philippines cũng có kế hoạch gây dựng một hạm đội tàu ngầm.

Hải quân các quốc gia bên cạnh việc tìm cách thiết lập khả năng hoạt động dưới nước của tàu ngầm một cách đáng tin cậy, an toàn và hiệu quả, song song với đó, họ cũng có nhiều điều cần phải cân nhắc. Vòng đời hoạt động của tàu ngầm và lịch trình bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu thiết yếu sẽ là những yếu tố quan trọng cần xem xét cùng với các yếu tố tài chính, vận hành và an toàn. Với chi phí vận hành đắt đỏ, các tàu ngầm hiện đại ngày nay dự kiến sẽ hoạt động được lâu hơn, ngay cả khi đã qua tuổi thọ trung bình. Việc đào tạo thủy thủ đoàn và nhân viên hỗ trợ trên bờ cũng không kém phần quan trọng.

Để ứng phó với trường hợp khẩn cấp liên quan đến tàu ngầm, không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ tàu ngầm phải bao gồm khả năng ứng phó khẩn cấp, dù đây là khoản chi phí gánh nặng cho những lực lượng Hải quân có kinh phí eo hẹp.

Trải qua nhiều thập kỷ phổ biến tàu ngầm trên khắp các vùng biển trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia dường như không mấy chú trọng đến khả năng ứng phó khẩn cấp.

Các lực lượng hải quân ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) và Australia đều được trang bị khả năng cứu hộ như một bộ phận không thể thiếu của lực lượng tàu ngầm. Ở Đông Nam Á, chỉ có Malaysia, Singapore và Việt Nam có năng lực tương tự trong số 5 Hải quân đang vận hành tàu ngầm.

Theo tác giả Collin Koh, Việt Nam là một điển hình trong khu vực Đông Nam Á về trang bị năng lực ứng phó khẩn cấp tàu ngầm. Ngay từ khi Hải quân Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng hạm đội gồm 6 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, Việt Nam đã tiến hành ký một thỏa thuận ứng phó khẩn cấp sự cố tàu ngầm với Singapore vào năm 2013 - tương tự thỏa thuận giữa Indonesia và Singapore đã ký 1 năm trước đó.

“Tai nạn tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia cho thấy, các lực lượng hải quân có vận hành tàu ngầm cần suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề cơ sở hạ tầng giúp hỗ trợ các tàu ngầm hoạt động an toàn và hiệu quả và có khả năng ứng phó khi xảy ra sự cố” (Theo ông Collin Koh - nhà nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn