MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 35, ngày 4.11.2019, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Fresh News

Tự tin biến thách thức thành cơ hội

Ngọc Vân thực hiện LDO | 28/01/2020 07:30
Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, trưởng SOM ASEAN* Việt Nam giai đoạn 2007-2014 - tự tin, Việt Nam có đủ vị thế, năng lực và nhất là bản lĩnh để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020, dù sẽ có nhiều thách thức.

Thưa, ông nhìn nhận thế nào về vị thế của Việt Nam khi nước ta bước vào năm 2020 đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN?

- Nhìn nhận từ góc độ chính trị đối ngoại, rõ ràng, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới và hội nhập, Việt Nam có vị thế rất mới, được các nước đề cao. Đó là một Việt Nam đổi mới và phát triển, hướng tới thịnh vượng, phúc lợi cho người dân. Trong 30-35 năm qua, chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần được nâng lên, nền kinh tế phát triển trung bình từ 6,5-7% trong những năm qua là con số không thể xem thường.

Công cuộc đổi mới sâu rộng trên toàn tuyến, từ kinh tế phát triển sang tất cả lĩnh vực, tạo hội nhập quốc tế của Việt Nam tốt hơn. Thực sự chúng ta đã tiến một chặng đường dài. Tôi nhớ lại những năm 90 khi ta chập chững mở cửa và hội nhập, trong đó có hội nhập kinh tế ASEAN, chúng ta vẫn coi đó là giai đoạn học tập, thì đến giờ chúng ta có quan hệ kinh tế với hầu hết đối tác lớn trên thế giới. Nhờ đổi mới và phát triển trong nước, chúng ta đã bắt kịp với hội nhập bên ngoài, không chỉ tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên diện rộng mà các FTA có tiêu chuẩn và chất lượng cao hơn, trong đó có CTPPP và EVFTA.

Thế giới đánh giá cao Việt Nam tham gia vào đời sống chính trị quốc tế với tinh thần đóng góp tích cực và có trách nhiệm, đặc biệt trong 10 năm qua. Chúng ta không chỉ tham gia chủ động, có trách nhiệm, mà chúng ta còn dần dần tham gia định hướng hoạt động tích cực hơn vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế, định hướng cuộc chơi, xây dựng luật chơi, tham gia đóng góp, dẫn dắt các tiến trình của cả khu vực và thế giới. Tôi cho rằng, vị thế của Việt Nam có được như ngày nay là nhờ gắn với quá trình đổi mới, hội nhập, và một điều không thể quên được là gắn với lịch sử đất nước, con người Việt Nam.

Vậy những thách thức trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam là gì, thưa ông?

- Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN có nhiệm vụ lớn nhất là điều phối và cùng các nước thực hiện bao quát và có hiệu quả các chương trình nghị sự, bao gồm xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới năm 2025 trên cả 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội. 

Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Bên cạnh đó, ASEAN phải ứng phó với những thách thức không nhỏ. Thứ nhất, khu vực và thế giới rõ ràng trong thời gian qua đã có những chuyển biến sâu sắc, trong đó có câu chuyện cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh Trung - Mỹ; đặt ra thách thức cả về kinh tế lẫn hoà bình, an ninh, làm sao những nước này không buộc các nước nhỏ phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh đó. 

Thứ hai, có những xu hướng gia tăng bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, làm cho đời sống quan hệ quốc tế khó lường và mất ổn định hơn. 

Thứ ba, do thất vọng về toàn cầu hoá, thất vọng về sự thiếu hiệu quả của một số tổ chức quốc tế, có một số nơi, số chỗ, họ làm yếu đi vai trò của chủ nghĩa đa phương.

“Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ có nhiều cơ hội, nhưng chắc chắn đây sẽ một năm nhiều thách thức phức tạp và nhiệm vụ nặng nề. Môi trường của khu vực chưa bao giờ giằng co giữa thuận lợi và thách thức nhiều như lúc này, nhưng suy cho cùng, cũng là làm sao để ASEAN đoàn kết, hội nhập, vững mạnh, và bảo đảm môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, trong đó có về Biển Đông. Tôi tin rằng Việt Nam đủ vị thế, năng lực và nhất là bản lĩnh để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020. Khi đó thách thức sẽ thành cơ hội”. (Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Chính những điểm này, Việt Nam phải cùng với các nước ASEAN thể hiện được nguyên tắc của mình. Một là ủng hộ luật pháp quốc tế, trật tự khu vực, thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, để nước lớn hay nước nhỏ đều được đảm bảo lợi ích của môi trường hoà bình, ổn định và phát triển.

Hai là, chúng ta ủng hộ chủ nghĩa đa phương để tham gia xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu mà trong đó nước lớn, nước nhỏ đều được đóng góp. Đối với các tổ chức quốc tế và khu vực, còn có những điểm này điểm kia thì các nước phải bàn với nhau để cải cách, tăng cường hiệu quả. 

Ba là, những vấn đề vượt qua biên giới của các quốc gia đặt ra phải có hợp tác quốc tế, chẳng hạn những vấn đề sát sườn như biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệnh…

Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần làm gì để tăng cường đoàn kết, tính trung tâm của ASEAN trong một chủ đề nóng là Biển Đông, thưa ông?

- Giữ cho được sự đoàn kết và gắn bó trong ASEAN và tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEAN là nhiệm vụ không dễ với nước Chủ tịch ASEAN. Cá nhân tôi cho rằng, các nước phải tăng cường tham vấn, để dù trên những vấn đề khó khăn vẫn có thể tìm ra các điểm đồng nhất định.

10 nước ASEAN đều trải qua quá trình ít nhất 20 năm được hưởng lợi từ cộng đồng ASEAN và khối đoàn kết ASEAN thì phải có trách nhiệm trở lại trong việc duy trì ý thức và trách nhiệm với ASEAN. Thêm vào đó, mặc dù ASEAN bao giờ cũng phải dựa vào nội lực, nhưng cũng cần tăng cường ngoại lực, hợp tác với các nước và các đối tác khác trong hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Trong tất cả điều đó, nhìn nhận câu chuyện Biển Đông thế nào? Đảm bảo hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở Biển Đông chắc chắn là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN. Hơn thế, câu chuyện này không chỉ là của ASEAN, mà còn ảnh hưởng đến thế giới. Do đó, Việt Nam cần tham vấn và yêu cầu các nước ASEAN và các đối tác quan trọng ở khu vực có đóng góp tích cực. Vì thời gian qua có những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nên bắt buộc phải nhấn mạnh luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982. Trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam làm sao phải thúc đẩy ASEAN có tiếng nói, đẩy nhanh tham vấn và thương lượng với Trung Quốc trong thực hiện tốt DOC, đồng thời có COC thực chất, hiệu quả, đóng góp thực sự cho duy trì hoà bình, ổn định, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Vai trò Chủ tịch ASEAN là làm sao kết nối được những lợi ích, quan điểm khác nhau đó thành điểm chung. Mọi khác biệt trong ASEAN chỉ xử lý bằng 2 việc. Một là tăng cường tham vấn, hai là thể hiện trách nhiệm dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung của ASEAN.

Trong thực tế, ASEAN đã làm được nhiều việc như vậy. Tôi nhớ lại năm 2010 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, có thể nói Việt Nam khi đó là nước chủ tịch tiên phong trong việc đưa Hiến chương ASEAN, bộ máy mới của ASEAN và đưa 3 kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN đi vào cuộc sống, nhưng đồng thời chúng ta vẫn đưa được vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

* SOM ASEAN: Senior Officials Meeting, Quan chức Cao cấp ASEAN

“Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ có nhiều cơ hội, nhưng chắc chắn đây sẽ một năm nhiều thách thức phức tạp và nhiệm vụ nặng nề. Môi trường của khu vực chưa bao giờ giằng co giữa thuận lợi và thách thức nhiều như lúc này, nhưng suy cho cùng, cũng là làm sao để ASEAN đoàn kết, hội nhập, vững mạnh, và bảo đảm môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, trong đó có về Biển Đông. Tôi tin rằng Việt Nam đủ vị thế, năng lực và nhất là bản lĩnh để hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020. Khi đó thách thức sẽ thành cơ hội”. (Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn