MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ nổ lớn ở Beirut, Lebanon xảy ra ngày 4.8. Ảnh: AP.

Từ vụ nổ ở Lebanon: Những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất 2 thập kỷ qua

Thanh Hà LDO | 05/08/2020 12:30
Trước vụ nổ hóa chất ở Lebanon gây chấn động, một số thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua đã xảy ra khắp thế giới. 

Vụ nổ Thiên Tân, Trung Quốc - nổ kho container

Ngày 12.8.2015, loạt vụ nổ ở Thiên Tân khiến 173 người chết, trong đó có 104 lính cứu hỏa và hàng trăm người khác bị thương. Vụ nổ xảy ra ở kho chứa container của thành phố cảng Trung Quốc. 

Lực lượng phản ứng ban đầu không thể khống chế được hỏa hoạn tại hiện trường khiến lượng lớn natri xyanua (sodium cyanide) và các hóa chất khác phản ứng với nước đang trữ tại đây. 

Vụ nổ Thiên Tân cướp đi sinh mạng của ít nhất 173 người. Ảnh: Mail. 

Có 2 vụ nổ lớn ban đầu trong vòng 30 giây, với vụ nổ thứ 2 có sức công phá lớn hơn nhiều bởi có 800 tấn ammonium nitrate phát nổ. 

Hỏa hoạn đã thải ra hàng tấn chất độc hại vào không khí và không được kiểm soát do quy mô lớn của vụ nổ ở Thiên Tân. 

Gazipur, Bangladesh - Nổ nồi hơi

Ngày 2.7.2017, trong quá trình khởi động lại thiết bị sau 10 ngày đóng cửa lễ Eid, Multifabs Limited xác nhận, nồi hơi nhà máy may đã phát nổ, làm sập một phần của nhà máy nhiều tầng ở quận Gazipur, ngoại ô thủ đô Dhaka.

Đáng lo ngại, công ty cho biết, khoảng 50 người trong tòa nhà khi nồi hơi đã 6 năm vận hành được bảo trì. 

Hơn 24 giờ sau sự cố, lực lượng cứu hộ tìm thấy 7 thi thể trong đống đổ nát và 3 nạn nhân khác qua đời tại bệnh viện. Con số tử vong trong vụ nổ ở Gazipur cho tới nay là 10 người. 

"Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn khi đang uống trà bên ngoài. Tôi thấy các cửa sổ, cửa chính, kính, máy móc và một phần của bức tường tòa nhà bay vọt ra" - tài xế nhà máy Hafiz Mostafa nói. Hàng chục người đổ về hiện trường vụ nổ và lính cứu hỏa nhanh chóng di chuyển đống đổ nát để tìm kiếm người mất tích.

"Lò hơi đang hoạt động tốt. Sau khi vận hành lúc công nhân đang tìm cách khởi động, lò hơi đã tắt", Mahiuddin Faruqui - Chủ tịch Multifab - chia sẻ với Reuters vào thời điểm đó. 

Nổ căn cứ hải quân Cyprus (Síp) -  Nổ kho đạn tạm

Một trong những thảm họa công nghiệp quốc phòng tồi tệ nhất thế kỷ xảy ra tại căn cứ hải quân ở đảo Cyprus năm 2011. Có 13 người, trong đó có người đứng đầu hải quân Cyprus, một chỉ huy căn cứ hải quân và 6 lính cứu hỏa thiệt mạng trong vụ nổ kho đạn tạm. Vụ nổ chấn động thậm chí đánh sập cả nhà máy điện lớn nhất đảo Cyprus. 

Lính cứu hỏa đến căn cứ hải quân Evangelos Florakis ở bờ biển phía nam đảo Cyprus hôm 11.7.2011 để xử lý đám cháy kéo dài khoảng 1 giờ trước khi vụ nổ lớn xảy ra. 

Vụ nổ gần như san bằng nhà máy điện Vassilikos, nơi sản xuất gần 60% điện cho hòn đảo, làm hư hại các tòa nhà ở làng mạc xung quanh và tạo thành "mưa" kim loại trên đường cao tốc.

Vụ nổ xảy ra tại địa điểm tịch thu vũ khí của Iran. Một phát ngôn viên chính phủ Cyprus đã loại trừ nguyên nhân vụ nổ là do phá hoại.

Vụ nổ làm bị thương 62 người, xuyên thủng bức tường bên ngoài 2 tòa nhà cao tầng, gây hư hại cho các làng mạc cách căn cứ hàng km.

Lagos, Nigeria - Nổ kho vũ khí

Vụ nổ kho vũ khí là hệ quả của vụ phát nổ ngẫu nhiên lượng lớn chất nổ tại cơ sở lưu trữ ở thủ đô Nigeria hôm 27.1.2002. 

Những đám cháy do vụ nổ xảy thiêu rụi một khu vực rộng lớn ở phía bắc thành phố Lagos, gây ra hoảng loạn sang các khu vực khác của thành phố.

Vụ nổ cũng tạo ra mưa lựu đạn, đạn pháo ra các khu vực xung quanh và phát nổ gây phá hoại thêm khu vực phía bắc của thành phố. 

Khi chạy khỏi hỏa hoạn, nhiều người rơi xuống một con kênh ở Ejigbo và bị chết đuối. 

Vụ nổ và hậu quả của nó được cho là cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.100 người, khiến hơn 20.000 người phải sơ tán, với hàng nghìn người bị thương hoặc mất nhà cửa.

Enschede, Hà Lan - Thảm họa pháo hoa

Thành phố Enschede có kho pháo hoa SE - kho duy nhất ở Hà Lan nằm trong khu dân cư. Ngày 13.5.2000, khi lực lượng cứu hỏa đang xử lý một đám cháy nhỏ tại nhà kho thì vụ nổ lớn xảy ra, phá hủy nhà cửa, bắn tung các mảnh vỡ và pháo hoa lên không trung. 

Hiện trường thảm họa pháo hoa tại nhà máy Enschede, Hà Lan. Ảnh: EPA.

Người dân hiếu kỳ có mặt từ khi xảy ra đám cháy nhỏ để theo dõi lực lượng cứu hỏa dập lửa cũng trở thành nạn nhân khi nhà máy phát nổ. 

Vụ nổ đầu tiên có sức mạnh tương đương 800kg TNT nhưng phần lớn thiệt hại là do vụ nổ cuối có sức công phá tương đương 4000-5000kg TNT.

Tổng số 400 ngôi nhà bị phá hủy, 1.500 tòa nhà bị hư hại. Vụ nổ nhà máy pháo hoa cũng cướp đi sinh mạng 23 người, trong đó có 4 lính cứu hỏa và làm bị thương gần 1.000 người.

Một tuần trước vụ nổ, SE đã được kiểm toán và được đánh giá là đáp ứng tất cả các quy định an toàn chính thức. Pháo hoa nhập khẩu cũng đã được chính quyền Hà Lan kiểm tra và xác định là an toàn.

Lực lượng cứu hỏa Hà Lan với sự giúp đỡ của cứu hỏa của Đức từ một thị trấn biên giới, đã dập tắt ngọt lửa vào cuối ngày 13.5.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn