MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Từ WEF Đông Á 2010 đến WEF ASEAN 2018: Cơ duyên và những kỳ vọng

HÀ LIÊN LDO | 03/09/2018 07:25
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Đoàn Xuân Hưng (ảnh) - một trong những người có công đầu đưa WEF về Việt Nam - nhận định, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN) là vô cùng có ý nghĩa, giúp cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả xã hội chú ý đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyện về “bữa sáng làm việc” đưa WEF về Việt Nam

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng có nhiều năm gắn bó với WEF khi làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao, khi làm Thứ trưởng phụ trách mảng kinh tế đối ngoại và là thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế.

Chia sẻ với báo giới về cơ duyên WEF được đưa về Việt Nam bên lề Hội nghị Ngoại giao 30 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 8 vừa qua, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho biết, sau lần đề xuất Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Davos lần đầu tiên ở cấp Thủ tướng năm 2007 gặt hái được thành quả tốt, cũng như nhiều dịp tháp tùng các lãnh đạo Chính phủ khác tới Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông đã nảy ra ý tưởng vận động đưa diễn đàn này về Việt Nam.

Trước đó, WEF thường tổ chức ở các nước lớn hoặc các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần như chưa từng có nước nào ở ASEAN đăng cai, “nếu đưa được về Việt Nam thì rất tuyệt vời” - ông nói.

“Một trong những lý do chúng tôi nêu là Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một diễn đàn toàn cầu thực sự nổi bật. Đây có thể nói là một “chợ ý tưởng” cực kỳ lớn, nơi diễn ra những biến chuyển trên thế giới và là nơi quy tụ gần như tất cả các chính khách đương chức, các cựu chính khách, doanh nghiệp nổi bật trên toàn cầu… Họ góp mặt tại đây để trao đổi những ý tưởng, để nắm bắt và chia sẻ thế giới đang như thế nào, đang đi về đâu, có những xu hướng gì. Nếu nắm bắt được xu hướng đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội hoạch định tương lai phát triển của đất nước” - Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nói.

WEF thành lập năm 1971, là diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo nhiều nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hằng năm ở Davos, Thụy Sỹ. Diễn đàn đặt trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) gồm 1.000 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.

“Nếu đưa được WEF về Việt Nam, chỉ cần sự quan tâm của một phần trong số 1.000 doanh nghiệp lớn của WEF cũng đã là sự quan tâm lớn, một cách quảng bá tuyệt vời cho Việt Nam. Quan trọng hơn là cho thấy những tiềm năng tuyệt vời để phát triển của Việt Nam” - ông nói thêm.

Sau rất nhiều lần thuyết phục, việc vận động đưa Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tổ chức ở Việt Nam đã thành công với việc đăng cai WEF Đông Á từ 6-7.6.2010 tại TP.Hồ Chí Minh (Tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN là Hội nghị WEF Đông Á và được đổi tên năm 2016).

Theo Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, Ban tổ chức WEF bày tỏ lo ngại về khả năng thành công khi bởi chưa bao giờ tổ chức ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, WEF nhất trí giảm quy mô như một điễn đàn doanh nghiệp.

“Việt Nam cũng đã tính đến phương án nhưng tôi cũng báo cáo cấp trên xem xét cho phép tiếp tục làm việc, trao đổi thêm lần nữa với phía WEF. Trong đó, phân tích lý do chắc chắn sẽ thành công khi tổ chức ở Việt Nam và điều đó lợi cho Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng như Việt Nam. Sau cuộc ăn sáng làm việc này, WEF nhất trí tổ chức diễn đàn quy mô lớn như các nước khác tại Việt Nam. WEF Đông Á đã được tổ chức thành công tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010 và thực sự là một sự kiện có ý nghĩa” - ông kể lại.

Việt Nam đón các đoàn tiền trạm WEF ASEAN 2018. Ảnh: BNG

Việt Nam cần bám sát cách mạng công nghiệp 4.0

Hội nghị WEF ASEAN 2018 có chủ đề: “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Chủ đề đáp ứng sự quan tâm chung của các nước ASEAN và trong khu vực, đồng thời gắn kết với chủ đề của ASEAN năm nay là hướng tới “ASEAN tự cường và sáng tạo”.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 11-13.9 dự kiến thu hút sự tham dự của khoảng 800-1.000 đại biểu, gồm lãnh đạo các nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.

Đánh giá về việc tổ chức WEF ASEAN, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng, việc tổ chức WEF ASEAN ở Việt Nam không chỉ quảng bá ASEAN mà còn cho thấy cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam đang phát triển rất năng động, đầy ý chí, quyết tâm, với chính phủ kiến tạo với các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác.

Nói về việc Việt Nam đăng cai tổ chức WEF ASEAN 2018 với dự kiến khoảng 60 phiên thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đang quan tâm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhận định đây là sự kiện “vô cùng có ý nghĩa, giúp cộng đồng doanh nghiệp cũng như cả xã hội chú ý đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

“Với một cuộc cách mạng mang tầm cỡ như cách mạng công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam bám sát được những thay đổi lớn trong sự phát triển kinh tế của toàn cầu sẽ rất có lợi. Thêm vào đó, nhân sự kiện này, Việt Nam có thể xem xét để thực sự hiểu vị trí hiện tại của Việt Nam, những điểm cần làm để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - ông nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn