MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Donald Trump hoan nghênh quyết định của Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri. Ảnh: AP

Tưởng cùng chuyện hoá không phải

NGẠC NGƯ LDO | 16/05/2018 14:00
Đến thời điểm hiện tại, dường như tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.

Nếu như không hài lòng về những công việc chuẩn bị cả về nội dung lẫn kỹ thuật cho sự kiện và chắc chắn rằng sự kiện sẽ thành công thì 2 bên sẽ không công bố thời gian và địa điểm diễn ra sự kiện. Ngày 12.6 tới ở Singapore. 

Kỹ càng cho thượng đỉnh

Singapore được 2 bên lựa chọn bởi đảm bảo được tiêu chuẩn an ninh rất cao, được coi là trung lập trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, có quan hệ ngoại giao với cả 2 bên và cũng đã từng là nơi diễn ra cuộc cấp cao nhạy cảm về chính trị. Rất có thể thôi, chứ không phải nhất thiết còn vì lý do là ở khoảng cách địa lý như thế thích hợp với suy tính của phía Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng ngỏ ý muốn cuộc cấp cao diễn ra ở Bàn Môn Điếm và phía Triều Tiên đã ủng hộ, hoan nghênh ngay.

Địa điểm này bị loại chắc không phải vì lý do an ninh mà vì lý do chính trị và ngoại giao. Nơi đây, năm 1971 đã có binh lính Mỹ bị thiệt mạng, năm 1971 chứ không phải trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, nên về phương diện chính trị đối nội không hẳn hoàn toàn chẳng rủi ro gì đối với ông Donald Trump.

Cuộc cấp cao này là sự kiện kinh thiên động địa đối với cả thế giới. Phụ thuộc vào kết quả của sự kiện là hoà bình hay chiến tranh, hoà dịu hay căng thẳng, hoà giải hay đối địch trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á, là phi hạt nhân hoá hay chạy đua vũ trang hạt nhân, là triển vọng tái thống nhất 2 miền trên bán đảo và tương lai của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, là 2 nước này có thể tin tưởng được lẫn nhau hay vẫn tiếp tục ngờ vực và nghi ngại lẫn nhau.

Cũng vì thế mà sự kiện đã được chuẩn bị rất kỹ. Triều Tiên tích cực tham vấn Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã 2 lần đi Trung Quốc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau 11 năm mới lại đi thăm Triều Tiên.

Cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lẫn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều sang Mỹ trao đổi và tham vấn ông Donald Trump.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo 2 lần đi Triều Tiên. Triều Tiên trả tự do cho 3 công dân Mỹ. Ông Donald Trump có lời tốt đẹp dành cho Triều Tiên và tỏ ra rất lạc quan.

Triều Tiên còn mời phóng viên của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Anh - đáng chú ý là phóng viên của Anh chứ không phải của Nhật Bản được mời - đến chứng kiến nghi thức đóng cửa khu thử hạt nhân Pyunggye-ri dự kiến trong thời gian từ ngày 23 đến ngày 25.5 tới, thể hiện không chỉ thực hiện những gì đã tuyên bố mà còn làm công khai và rõ ràng những bước đi ban đầu về ngừng chương trình hạt nhân.

Mọi dấu hiệu đều cho thấy, Mỹ và Triều Tiên đã đạt được thoả thuận về mọi chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự của cuộc cấp cao ở mức độ mà cả 2 phía đều cho là đủ. Mắc mớ nhất và quyết định nhất là giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên xem ra cũng đã được khắc phục từ trước cuộc thượng đỉnh, nếu không phải là giải pháp cụ thể thì cũng phải là định hướng và lộ trình giải pháp.

Triều Tiên - Iran: Giống mà không giống

Mới rồi, ông Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, đơn phương và bất chấp phía Iran tuân thủ nghiêm chỉnh cũng như phản đối của các bên cùng tham gia ký kết thoả thuận này hồi tháng 7.2015. Nhiều người cho rằng và lo ngại rằng, quyết định ấy của ông Donald Trump làm khó cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Tưởng cùng 1 chuyện là vấn đề hạt nhân, nhưng trong thực chất không hẳn như vậy. Ông Donald Trump chắc chắn sẽ đòi hỏi khắc phục những gì phê trách ở thoả thuận với Iran trong xử lý cùng vấn đề với Triều Tiên, cụ thể là gắn chương trình hạt nhân với chương trình tên lửa của Triều Tiên, không chấp nhận giới hạn thời hạn hiệu lực của thoả thuận về ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tức là không để lặp lại cái gọi là điều khoản hoàng hôn (Sunset) như trong thoả thuận với Iran, và sẽ đòi có sự kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt hơn việc Triều Tiên thực hiện cam kết, gắn việc dỡ bỏ trừng phạt và trợ giúp kinh tế phụ thuộc vào Triều Tiên thực hiện cam kết.

Vấn đề hạt nhân tuy quyết định nhất nhưng chỉ là một trong cả gói những vấn đề được giải quyết đồng thời và ràng buộc lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên. Và từ việc Mỹ rút khỏi thoả thuận với Iran, Triều Tiên chắc chắn sẽ đòi cái gì đấy để đảm bảo rồi đây, ông Donald Trump hay người kế nhiệm không lật ngược những gì đã thoả thuận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn