MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Tượng đài" Angela Merkel chính thức từ giã chính trường

Song Minh LDO | 08/12/2021 16:59
Kỷ nguyên Angela Merkel kết thúc vào ngày 8.12 khi nữ thủ tướng được ví như "tượng đài" của nước Đức chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền.

Người trao quyền lực mềm cho nước Đức

Bà Angela Merkel đã được đảm bảo một vị trí trong sử sách ngay khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22.11.2005. Trong 16 năm tiếp theo, bà được ghi nhận là người đã nâng cao danh tiếng và ảnh hưởng của nước Đức, nỗ lực cùng nhau xây dựng một Liên minh Châu Âu vững chắc, quản lý hàng loạt cuộc khủng hoảng và trở thành hình mẫu cho phụ nữ.

Giờ đây, nhiệm kỳ kỷ lục đã kết thúc khi bà rời nhiệm sở ở tuổi 67 với nhiều lời ngợi khen cả ở trong và ngoài nước. Người kế nhiệm được chỉ định của bà, ông Olaf Scholz - đã chính thức được Quốc hội Đức bầu làm Thủ tướng Đức hôm 8.12.

Bà Angela Merkel, nhà khoa học trước đây lớn lên ở Đông Đức, có thời gian nắm quyền chỉ kém cựu Thủ tướng Helmut Kohl - người đã thống nhất nước Đức trong nhiệm kỳ 1982-1998 - khoảng một tuần.

Bà đã phục vụ cùng với bốn tổng thống Mỹ, bốn tổng thống Pháp, năm thủ tướng Anh và tám thủ tướng Italia. Thời gian nắm quyền của thủ tướng kỳ cựu chứng kiến những sự kiện lớn, bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ của Châu Âu, dòng người tị nạn năm 2015-16 đến Châu Âu và đại dịch COVID-19.

“Không thể phủ nhận rằng bà ấy đã trao cho Đức rất nhiều quyền lực mềm. Không còn nghi ngờ gì nữa, bà ấy đã nâng tầm hình ảnh của nước Đức trên thế giới” - AP dẫn lời Sudha David-Wilp, Phó giám đốc Quỹ Marshall Đức thuộc văn phòng Berlin của Mỹ, cho biết.

“Khi bà Merkel lần đầu tiên xuất hiện trên chính trường vào năm 2005, rất nhiều người đã đánh giá thấp bà, nhưng bà đã phát triển về tầm vóc cùng với vai trò của nước Đức trên thế giới. Nhiều nước ở Châu Âu và những nơi khác muốn có nhiều hơn một nước Đức năng động đóng một vai trò nào đó trên thế giới - điều có thể đã không xảy ra trước khi bà ấy tại vị” - David-Wilp nói thêm. 

Trong một thông điệp video tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng của bà Merkel vào tháng 10, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảm ơn nữ thủ tướng Đức vì "nhờ có bà mà nước Đức và Châu Âu đã trụ vững qua bao sóng gió”.

Nguyên tắc của "bà đầm thép" nước Đức

David-Wilp nói rằng bà Merkel được coi là người “có thể thay mặt cho phương Tây đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin". Bà kiên định theo đuổi các giải pháp đa phương cho các vấn đề của thế giới, một nguyên tắc mà bà đã nhấn mạnh tại cuộc duyệt binh để vinh danh bà vào tuần trước.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và dòng người di cư “đã làm rõ mức độ chúng ta phụ thuộc vào sự hợp tác ngoài biên giới quốc gia và mức độ quan trọng của các thể chế quốc tế và các công cụ đa phương để có thể đối phó với những thách thức lớn của thời đại chúng ta” - bà Merkel nói, đồng thời xác định đó là biến đổi khí hậu, số hóa và di cư.

Bà Merkel bác bỏ việc bị gán cho là “lãnh đạo của thế giới tự do”, nói rằng quyền lãnh đạo không bao giờ phụ thuộc vào một người hoặc một quốc gia. Tuy nhiên, bà vẫn được coi là một nhà lãnh đạo quan trọng trong 27 quốc gia thành viên EU, nổi tiếng với khả năng thuyết phục thỏa thuận trong các phiên đàm phán kéo dài.

Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel, đã phát biểu gần đây rằng khi các cuộc đàm phán bế tắc, bà Merkel “hầu như đã tìm thấy thứ gì đó dung hoà để biến chuyển tình hình”. Điều đó đã được minh chứng vào tháng 7.2020 khi các nhà lãnh đạo EU đạt được thỏa thuận về khoản ngân sách chưa từng có và quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 1,8 nghìn tỉ euro (2 nghìn tỉ USD) sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 4 ngày với  buổi tranh luận gay gắt.

EU không có bà Merkel như Rome không có Vatican

Tại hội nghị thượng đỉnh EU lần thứ 107 và là cuối cùng của bà, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã nói với bà Merkel: "Bà là một tượng đài". Một hội nghị thượng đỉnh EU không có bà Merkel sẽ giống như "Rome không có Vatican hoặc Paris không có tháp Eiffel" - ông Michel ví von.

Sự đánh giá cao từ các đồng nghiệp của bà là thật, mặc dù có rất nhiều xích mích trong suốt nhiều năm. Bà Merkel luôn tìm cách kết nối EU chặt chẽ nhất có thể nhưng bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của Đức, xung đột với Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ và không đồng ý với Hungary, Ba Lan và những nước khác về việc họ từ chối - không giống như Đức - tiếp nhận người di cư đến Châu Âu.

Bà Merkel cho biết bà đang rút lui khỏi EU "trong một tình huống chắc chắn khiến tôi cũng phải lo lắng". Bà nói: “Chúng tôi đã có thể vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng với tinh thần tôn trọng, luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp chung. Nhưng chúng tôi cũng có một loạt vấn đề chưa được giải quyết, và có những nhiệm vụ lớn chưa hoàn thành cho người kế nhiệm của tôi”.

Điều đó cũng đúng ở Đức, khi bà Merkel rời nhiệm sở trong lúc đất nước đang chống chọi với đại dịch bùng phát. Bà rời đi với nước Đức có tỉ lệ thất nghiệp thấp hơn và tài chính lành mạnh hơn, nhưng cũng với những thiếu sót được ghi nhận rõ ràng trong việc số hóa - nhiều văn phòng y tế đã sử dụng máy fax để truyền dữ liệu trong đại dịch - và điều mà các nhà phê bình cho là thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Bà Merkel đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng cũng bị chỉ trích vì đã đi quá chậm trong vấn đề biến đổi khí hậu. Sau khi tuyên bố vào năm 2018 rằng sẽ không tìm kiếm nhiệm kỳ thứ năm, bà đã không đảm bảo được quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ trong chính đảng của mình và đảng này đã thất bại trong cuộc bầu cử vào tháng 9 ở Đức.

Liên minh cầm quyền sắp thành lập dưới thời ông Scholz cho biết họ muốn “tạo ra nhiều tiến bộ hơn” cho nước Đức sau nhiều năm trì trệ.

Nhưng đánh giá chung của người Đức dường như vẫn ủng hộ bà Merkel. Trong chiến dịch tranh cử mà từ đó bà hầu như vắng mặt, xếp hạng tín nhiệm của bà Merkel đã vượt xa mức xếp hạng của ba người sẽ kế nhiệm bà. Không giống như bảy người tiền nhiệm ở nước Đức thời hậu chiến, bà Merkel rời nhiệm sở vào thời điểm mà bà lựa chọn.

Được tạp chí Forbes vinh danh là “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” trong 10 năm liên tiếp, bà Merkel bước xuống với di sản là phá vỡ thế áp đảo của nam giới trong chính trường - mặc dù bà cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không cố gắng hơn nữa bình đẳng giới.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng “rất nhiều người, trẻ em gái và trẻ em trai, đàn ông và phụ nữ, đã có một hình mẫu mà họ có thể hướng tới để vượt qua những thời gian thử thách”. Còn cựu Tổng thống George W. Bush mô tả bà Merkel là “một nhà lãnh đạo giàu lòng nhân ái, một người phụ nữ không ngại lãnh đạo”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn