MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quốc hội Thái Lan trong vòng bỏ phiếu thứ 2 quyết định Thủ tướng tiếp theo của đất nước, ngày 19.7.2023. Ảnh: AFP

Tương lai chính trường Thái Lan khi quốc hội chặn ứng viên đắc cử làm Thủ tướng

Thanh Hà LDO | 21/07/2023 08:16

Quốc hội Thái Lan đã chặn đề cử Thủ tướng của đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 - ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo Đảng Move Forward (Tiến bước).

395 người bỏ phiếu để chặn đề cử ông Pita Limjaroenrat

Trong số 715 thành viên Quốc hội có mặt trong vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra ngày 19.7, 395 người bỏ phiếu để chặn đề cử ông Pita Limjaroenrat, 312 người bỏ phiếu ủng hộ, 8 người bỏ phiếu trắng và 1 người - ông Pita Limjaroenrat - không bỏ phiếu, theo Chủ tịch Hạ viện Thái Lan.

Ông Pita Limjaroenrat bị Toà án Hiến pháp Thái Lan tạm thời đình chỉ tư cách nghị sĩ sau khi Ủy ban Bầu cử nước này đệ đơn khiếu nại lãnh đạo Đảng Move Forward. Ông Pita Limjaroenrat bị cáo buộc vi phạm luật bầu cử vì có cổ phần trong một công ty truyền thông. Ông Pita Limjaroenrat đã phủ nhận cáo buộc.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 19.7, ông Pita Limjaroenrat nhấn mạnh: "Tôi nghĩ Thái Lan đã thay đổi và sẽ không quay đầu lại kể từ ngày 14.5. Người dân đã đi được nửa chặng đường rồi. Trong nửa chặng đường còn lại, dù tôi không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình nhưng mong các thành viên hãy tiếp tục chăm lo cho người dân".

Cuộc bầu cử của Thái Lan hồi tháng 5 chứng kiến số cử tri đi bầu kỷ lục. Trong cuộc bầu cử, Đảng Move Forward cam kết cải cách sâu sắc cách thức điều hành quốc gia Đông Nam Á với hơn 70 triệu dân như: Thay đổi về quân đội, kinh tế, phân cấp quyền lực và thậm chí cải cách chế độ quân chủ.

Sau cuộc bầu cử, với thắng lợi thuộc về Move Forward, các đảng đối lập ở Thái Lan đã thành lập liên minh nhằm thành lập một chính phủ đa số và đưa ông Pita Limjaroenrat làm ứng viên Thủ tướng.

Nhà lãnh đạo 42 tuổi của Move Forward gọi liên minh này là "tiếng nói của hy vọng và tiếng nói của sự thay đổi". Tất cả các đảng trong liên minh nhất trí ủng hộ ông Pita Limjaroenrat làm Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.

Tuy nhiên, tuần trước, ông Pita Limjaroenrat thất bại trong việc đảm bảo đủ số phiếu bầu tại Quốc hội. Trong vòng bỏ phiếu thứ nhất, ông Pita Limjaroenrat Pita nhận được 324 phiếu bầu, chưa đạt 376 phiếu bầu cần thiết để trở thành Thủ tướng.

Xuất hiện các cuộc biểu tình...

New York Times chỉ ra, Pheu Thai có thể sẽ thực hiện theo kịch bản này, nhưng cũng có khả năng thành lập một liên minh hoàn toàn mới dễ được các nhà lập pháp bảo thủ ủng hộ hơn ông Pita Limjaroenrat và Move Forward.

Ứng viên Thủ tướng của Pheu Thai có thể là ông Srettha Thavisin, 60 tuổi, ông trùm bất động sản có ít kinh nghiệm chính trị. Nếu liên minh mới thực sự được lập ra, ông Srettha Thavisin có thể được bầu làm thủ tướng sớm nhất trong tuần này.

Một kịch bản khác xa hơn nhưng vẫn có khả năng xảy ra là trong điều kiện gia nhập liên minh mới, Pheu Thai cho phép một đảng thuộc phe bảo thủ đề cử một ứng cử viên thủ tướng. Ứng viên đó có khả năng là đương kim Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan, 77 tuổi.

Cũng theo New York Times, việc ông Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan cũng được nhiều người coi là chiến thắng trong tiến trình dân chủ ở Thái Lan - quốc gia xảy ra hàng chục cuộc đảo chính thành công kể từ năm 1932, trong đó có 2 cuộc đảo chính trong 17 năm qua.

Việc ông Srettha Thavisin được bầu cũng được nhiều nhà đầu tư cho là có tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan vốn đang trì trệ do dịch COVID-19. Tuy nhiên, sẽ có những người ủng hộ Move Forward phản ứng khi đảng này không thể thành lập chính phủ mới.

Tối 19.7, một cuộc biểu tình đã diễn ra tại Bangkok. Quy mô của các cuộc biểu tình trong những ngày này hoặc tuần tới có thể sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành Thủ tướng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn