MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỏ khí Darvaza ở Turkmenistan được mệnh danh là "Cổng địa ngục". Ảnh chụp màn hình

Turkmenistan quyết tâm bịt "cổng địa ngục"

Thanh Hà LDO | 20/06/2023 17:24

Với sự tồn tại của mỏ khí Darvaza - hố nóng chảy khổng lồ phun ra lửa và khí độc trong nhiều thập kỷ, Turkmenistan có kỷ lục tồi tệ nhất thế giới về rò rỉ khí metan.

Trong nửa thế kỷ qua, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã phải vật lộn với một lỗ rò rỉ khủng khiếp mà nước này không thể bịt lại. Nằm sâu trong sa mạc Karakoum, phía bắc Turkmenistan, mỏ khí Darvaza đã bốc cháy suốt 50 năm qua, bơm một lượng khí metan đáng sợ vào bầu khí quyển.

Được mệnh danh là “Cổng địa ngục” - mỏ khí rộng 70 m và sâu 20 m từ lâu đã trở thành điểm du lịch có khoảng 6.000 du khách nước ngoài mỗi năm.

Kể từ khi Turkmenistan độc lập năm 1991, chính phủ nước này thường xuyên đưa ra các kế hoạch dập tắt “Cổng địa ngục”. Tuy nhiên, dập tắt mỏ khí khổng lồ này chưa bao giờ thực sự là ưu tiên hàng đầu ở quốc gia có trữ lượng dầu khí dồi dào đủ để cung cấp điện, khí đốt và nước miễn phí cho người dân trong vòng 3 thập kỷ từ khi độc lập.

Tuy nhiên, hiện quốc gia Trung Á này dường như quyết tâm dập tắt ngọn lửa, với sự giúp đỡ của Mỹ. Vào cuối tháng 3, Bloomberg thông tin, 2 nước đang thảo luận về kế hoạch dập tắt mỏ khí đang cháy và thu khí metan thải ra từ mỏ khí. Theo kế hoạch này, Washington sẽ cung cấp khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng dầu khí cũ kỹ ở quốc gia Trung Á.

Theo các chuyên gia, “Cổng địa ngục” Darvaza chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về rò rỉ khí đốt ở Turkmenistan - một trong những quốc gia gây ô nhiễm hàng đầu thế giới dù dân số chỉ có 6 triệu người.

Từ năm 2019 đến 2022, Turkmenistan lập kỷ lục thế giới với 840 sự kiện “siêu phát thải” liên quan đến rò rỉ khí metan từ các giếng, khu vực lưu trữ và đường ống, theo dữ liệu vệ tinh do công ty khởi nghiệp Karryos của Pháp cung cấp.

Năm ngoái, khí metan rò rỉ từ 2 mỏ nhiên liệu hóa thạch chính của Turkmenistan gây nóng lên toàn cầu nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải carbon của Vương quốc Anh tạo ra, theo dữ liệu của Karryos.

Trong trường hợp của Turkmenistan, các chuyên gia chỉ ra, vấn đề bắt nguồn từ việc thiếu các tiêu chuẩn môi trường và bảo trì cơ sở hạ tầng kém.

Đầu tuần này, tân Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov đã công bố lộ trình về các biện pháp nhằm giải quyết mỏ rò rỉ khí đốt khổng lồ của đất nước.

Lộ trình bao gồm tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài và Đài quan sát khí thải metan quốc tế của Liên Hợp Quốc (Imeo). Người đứng đầu Imeo Manfredi Caltagirone mô tả đây là động thái “đáng khích lệ”. “Nhưng sau những thông báo, công việc thực sự bắt đầu là cắt giảm lượng khí thải" - giám đốc Imeo cảnh báo chia sẻ với tờ The Guardian của Anh.

Các chuyên gia về khí hậu lưu ý, việc giải quyết rò rỉ khí metan có thể mang lại kết quả nhanh chóng và cụ thể trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nêu trong báo cáo “Theo dõi khí mêtan toàn cầu” mới nhất rằng, khoản đầu tư 100 tỉ USD tương đương với “chưa tới 3% thu nhập ròng mà ngành dầu khí thu được năm 2022” sẽ đủ để tránh 3/4 tổng số vụ rò rỉ khí metan do ngành này gây ra.

Theo Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPPC), việc giảm 45% lượng khí thải metan vào năm 2030 sẽ ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,3 độ C trong 20 năm tới. Theo đó, việc giảm lượng khí thải metan là cơ hội tốt nhất cho nhân loại hạn chế nóng lên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn