MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson. Ảnh: Xinhua

Ukraina có thể phải đi vay Mỹ thay vì được viện trợ

Khánh Minh LDO | 11/03/2024 17:49

Đảng Cộng hòa Mỹ tại Hạ viện đề xuất chương trình cho vay với Ukraina thay vì viện trợ.

NBC News đưa tin, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa Mỹ đang soạn thảo dự luật cung cấp viện trợ phi quân sự cho Ukraina dưới dạng cho vay chứ không phải cho không.

Trong khi Đảng Cộng hòa coi kế hoạch này là một sự thỏa hiệp giữa các phe ủng hộ và chống Kiev trong đảng, thì các đảng viên Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng dự luật viện trợ 60 tỉ USD không ràng buộc cho Ukraina là "con đường duy nhất phía trước".

Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD vào tháng trước, theo đó Ukraina sẽ nhận được 60 tỉ USD chủ yếu là viện trợ quân sự.

Trong bối cảnh kho vũ khí và đạn dược phương Tây của Kiev đang cạn kiệt, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Ukraina sẽ mất thêm lãnh thổ vào tay Nga nếu dự luật không được Hạ viện thông qua.

Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát cho đến nay vẫn từ chối tổ chức bỏ phiếu về dự luật. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa yêu cầu dự luật phải đi kèm với việc thắt chặt đáng kể luật nhập cư của Mỹ và tăng tài trợ cho an ninh biên giới.

Trong bối cảnh bế tắc, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và chủ tịch nhiều ủy ban liên quan đến an ninh quốc gia đang nghiên cứu dự luật riêng, coi một số viện trợ cho Kiev là khoản vay dài hạn - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mike McCaul nói với NBC.

NBC lưu ý, các kế hoạch đang ở giai đoạn sơ bộ. Tuy nhiên, các nguồn tin của NBC cho biết Đảng Cộng hòa đặt mục tiêu chuẩn bị sẵn sàng dự luật để bỏ phiếu trước cuối tháng 3.

Ông McCaul và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đều nhấn mạnh rằng chỉ phần viện trợ phi quân sự sẽ được coi là khoản cho vay và không tiết lộ mức độ viện trợ quân sự cũng như phi quân sự sẽ được phân bổ theo dự luật. Trong số 60 tỉ USD nêu trong dự luật được Thượng viện thông qua vào tháng trước, chưa đến 10 tỉ USD sẽ dành cho hỗ trợ phi quân sự.

Đạn dược được chất lên máy bay ở New Jersey, Mỹ để gửi đến Ukraina, ngày 23.8.2022. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Cả Thượng nghị sĩ Graham và cựu Tổng thống Donald Trump đều tán thành ý tưởng cho Ukraina vay tiền, mặc dù một số chuyên gia bảo thủ đã bác bỏ đề xuất này.

Nhà báo Tucker Carlson tuyên bố vào tháng trước: “Ukraina sẽ không bao giờ trả được nợ và chúng ta sẽ không bao giờ đòi được nợ. Đây chỉ là một cách không trung thực để gửi thêm vũ khí tới khu vực, trì hoãn thỏa thuận hòa bình và khiến nhiều người Ukraina thiệt mạng hơn".

Ông McCaul nói với NBC, Mỹ có thể sử dụng tài sản bị tịch thu của Nga làm tài sản thế chấp cho bất kỳ khoản vay tiềm năng nào. Tuy nhiên, Mỹ hiện chỉ có thể sử dụng một số tài sản nhất định để hỗ trợ gián tiếp cho Ukraina và kế hoạch của ông McCaul sẽ cần phải thông qua luật bổ sung, điều mà không phải đảng viên Cộng hòa nào cũng sẵn sàng làm.

Đảng Dân chủ phản ứng với kế hoạch này bằng thái độ hoài nghi. Một quan chức giấu tên của Mỹ nói với NBC: “Thà có viện trợ còn hơn không có viện trợ, nhưng đây không phải là cách lý tưởng để thực hiện điều đó. Yêu cầu một quốc gia gánh khoản nợ hàng chục triệu USD mà họ không có khả năng trả sẽ tạo nên một gánh nặng đáng kể”.

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries nói rằng dự luật trị giá 95 tỉ USD của Thượng viện vẫn là “con đường duy nhất phía trước”.

Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng không có số tiền hay vũ khí nào có thể ngăn cản nước này đạt được mục tiêu ở Ukraina. Điện Kremlin cảnh báo, khí tài quân sự phương Tây sẽ chỉ kéo dài cuộc giao tranh và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn