MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, ngày 12.7.2023. Ảnh: AFP

Ukraina tiến gần đến gia nhập NATO hơn bao giờ hết

Song Minh LDO | 08/09/2023 12:41

Ukraina chưa bao giờ gần hơn với tư cách thành viên NATO như bây giờ - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố.

RT đưa tin, người đứng đầu NATO đưa ra bình luận nói trên hôm 7.9 tại Nghị viện châu Âu khi ông thông báo cho các nghị sĩ về sự hợp tác giữa liên minh quân sự NATO và EU. Ông Stoltenberg nhấn mạnh, hai bên “chia sẻ những giá trị và thách thức giống nhau”.

Một phần bài phát biểu của ông Stoltenberg dành riêng cho những gì NATO đưa ra với Ukraina tại hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Lithuania.

Ukraina không được cung cấp lộ trình trở thành thành viên NATO như đã yêu cầu, nhưng được hứa hẹn sẽ có thêm viện trợ quân sự, có đại diện trong một hội đồng mới được thành lập và có cơ hội bỏ qua một bước mà các ứng cử viên NATO thường phải vượt qua.

Ông Stoltenberg tuyên bố, "Khả năng tương tác, Hội đồng NATO - Ukraina và việc loại bỏ yêu cầu về Kế hoạch hành động thành viên cho Ukraina, chứng minh rằng Ukraina chưa bao giờ tiến gần hơn đến tư cách thành viên NATO như bây giờ”.

Trước hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Ukraina sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định trước khi đơn xin gia nhập được chấp nhận. Các nước thành viên NATO cũng loại trừ khả năng Ukraina gia nhập liên minh trước khi xung đột với Nga được giải quyết.

Sau cuộc chính biến năm 2014 ở Kiev, Ukraina tuyên bố tư cách thành viên EU và NATO là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này, ghi rõ trong hiến pháp.

Lập trường đó đã góp phần gây căng thẳng với Nga - nước trong nhiều thập kỷ đã phản đối việc mở rộng NATO ở châu Âu.

Trong hội nghị thượng đỉnh năm 2008 tại Bucharest (Romania), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương lần đầu tiên hứa hẹn rằng Ukraina cuối cùng sẽ gia nhập NATO.

Nga yêu cầu Ukraina là một quốc gia trung lập, không tiếp nhận lực lượng quân sự nước ngoài. Năm 2021, Mátxcơva đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận an ninh có thể giải quyết những lo ngại của mình, kêu gọi NATO rút lực lượng quân sự khỏi biên giới Nga và ngừng mở rộng. Tuy nhiên, lời đề nghị đã bị từ chối.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, sự can dự của NATO vào Ukraina là một trong những lý do chính khiến Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại Kiev vào năm ngoái.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Tổng thư ký Stoltenberg nhắc lại quan điểm của NATO rằng, “Nga không thể phủ quyết tư cách thành viên của bất kỳ quốc gia độc lập có chủ quyền nào ở châu Âu”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn