MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc đàm phán hòa bình thứ 3 trong năm nay nhằm tìm ra cách hòa giải Nga - Ukraina diễn ra tại Malta trong 2 ngày từ 28-29.10. Ảnh: MFE

Ukraina tổ chức vòng đàm phán hòa bình thứ 3 tại Malta

Thanh Hà LDO | 30/10/2023 07:02

Vòng đàm phán hòa bình thứ 3 do Ukraina hậu thuẫn khai mạc tại Malta ngày 28.10 với đại diện của hơn 60 quốc gia nhưng không có Nga tham dự.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky kêu gọi tổ chức cuộc họp để tạo ra một mô hình toàn cầu từ kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông. Theo Reuters, cuộc họp, được tổ chức kín tại Malta, nhằm đánh giá khả năng của Ukraina và phương Tây trong việc tiếp tục thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn khi xung đột Hamas - Israel đang thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Phát biểu trong ngày đầu tiên của vòng đàm phán kéo dài 2 ngày giữa các cố vấn chính sách và an ninh quốc gia, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hy vọng sự kiện sẽ thu hút được sự ủng hộ cho kế hoạch 10 điểm của ông nhằm chấm dứt chiến sự. Tổng thống Ukraina lưu ý, có 66 quốc gia cử đại diện tham gia đàm phán tại Malta. Đây là dấu hiệu cho thấy kế hoạch hòa bình của ông đã dần trở thành vấn đề toàn cầu. Kế hoạch hòa bình 10 điểm của nhà lãnh đạo Ukraina bao gồm kêu gọi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, Nga rút quân khỏi Ukraina, bảo vệ nguồn cung cấp lương thực và năng lượng, an toàn hạt nhân và thả tất cả tù nhân.

Ngoại trưởng Malta Ian Borg cho biết, Malta sẽ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với những nỗ lực khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Một quan chức Liên minh châu Âu giấu tên chia sẻ, việc tổ chức cuộc đàm phán vào thời điểm hiện tại, với sự tham gia ngày càng tăng của các đại diện trên toàn cầu chứng minh rằng, việc khôi phục hòa bình là điều quan trọng không chỉ với Ukraina. Quan chức EU cũng lưu ý về thời điểm tổ chức vòng đàm phán này khi bạo lực ở Trung Đông đang leo thang.

“Cuộc họp khẳng định sự quan tâm rộng rãi và sự ủng hộ ngày càng tăng với các yếu tố chính trong Kế hoạch Hòa bình của Ukraina" - một quan chức EU khác nói.

Đồng chủ tịch Ukraina và Malta đã ra tuyên bố chung đề cập đến cam kết của các bên tham gia về mục tiêu hòa bình công bằng và lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của các nhóm làm việc là tập trung vào an toàn hạt nhân, các vấn đề nhân đạo, an ninh năng lượng và lương thực. Các bên cũng thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết cho một hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu có thể diễn ra trong tương lai nhưng chưa ấn định ngày chính xác.

Vòng đàm phán theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ở Malta diễn ra sau các cuộc họp tương tự ở Jeddah (Saudi Arabia) và Copenhagen (Đan Mạch) vào mùa hè này, trong đó Ukraina hy vọng từ đó tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh ở cấp nguyên thủ quốc gia. Vòng đàm phán đầu tiên ở Copenhagen vào tháng 6 chỉ có 15 bên tham gia. Số lượng các bên tham gia tăng lên 43 trong vòng đàm phán thứ hai ở Jeddah vào tháng 8.

Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ cuộc đàm phán ở Malta. Bà nhấn mạnh, sự kiện này "không liên quan gì đến việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình". "Rõ ràng những cuộc tập hợp như vậy hoàn toàn không có ý nghĩa gì mà chỉ phản tác dụng" - bà Maria Zakharova nói.

Andriy Yermak - người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraina - cho biết, các cuộc thảo luận tại Malta diễn ra sôi động, tập trung vào 5 lĩnh vực chính, đặc biệt là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelensky kêu gọi Nga rút toàn bộ quân đội khỏi các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraina, bao gồm cả lãnh thổ Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Năm ngoái, Nga cũng tuyên bố sáp nhập 4 vùng của Ukraina gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia vào lãnh thổ nước này.

Cuộc đàm phán ở Malta cũng xem xét vấn đề an ninh hạt nhân, đặc biệt là nhu cầu đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và cách bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraina khi mùa đông đến. Vấn đề an ninh lương thực cũng nằm trong chương trình nghị sự, khi Nga chặn xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraina. Các vấn đề nhân đạo, bao gồm việc thả tù nhân cũng được thảo luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn