MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các quốc gia Đông Âu, trong đó có Ukraina, đang bàn phương án về việc vận chuyển khí đốt ngược dòng qua đường ống dẫn khí xuyên Balkan. Ảnh minh họa. Ảnh: Xinhua

Ukraina và láng giềng lập hành lang khí đốt mới theo đường ống xuyên Balkan

Thanh Hà LDO | 07/12/2023 13:53

Người đứng đầu các công ty vận hành hệ thống truyền tải khí đốt của Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Slovakia và Hungary đã tổ chức cuộc họp về việc triển khai hành lang khí đốt Vertical Gas Corridor.

Theo báo Világgazdaság của Hungary, phía Ukraina - tham dự sự kiện trong vai trò quan sát viên - đã trình bày cách đưa dòng khí đốt tới các quốc gia Trung và Nam Âu theo hành lang khí đốt qua đường ống dẫn khí xuyên Balkan.

Giám đốc nhà điều hành hệ thống GTSOU của Ukraina, ông Dmitro Lippa, đã trình bày cách đưa khí đốt qua đường ống dẫn khí xuyên Balkan tới các nước Trung và Nam Âu.

Ông đề xuất các bên nên củng cố khả năng để đảm bảo năng lực vận hành đường ống dẫn khí xuyên Balkan theo chế độ đảo ngược so với thiết kế ở trên toàn tuyến.

GTSOU sẵn sàng ký biên bản ghi nhớ về hành lang khí đốt Vertical Gas Corridor này và cũng sẽ tham gia các nhóm làm việc.

Đại diện của nhà điều hành Ukraina cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng công suất của hệ thống truyền tải khí đốt của Bulgaria và Romania bởi năng lực của hệ thống truyền tải khí đốt của Bulgaria rất quan trọng trong đảm bảo vận chuyển lượng khí đốt bổ sung.

“Đánh giá nhu cầu thị trường do các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraina, Romania và Moldova cùng thực hiện cho thấy nhu cầu vận chuyển hàng ngày ở mức 20 triệu mét khối qua tuyến đường xuyên Balkan đến các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất của Ukraina" - ông nói.

"Tuyến đường ống dẫn khí xuyên Balkan có thể đáp ứng nhu cầu của những khách hàng có kế hoạch vận chuyển khí đốt từ hướng Balkan đến người tiêu dùng ở Đông và Trung Âu, cũng như mang đến khả năng lưu trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ khí đốt của Ukraina" - người đứng đầu GTSOU nói thêm.

Dự án phát triển khí đốt Midia tại làng Vadu ở phía đông nam Romania. Ảnh minh họa. Ảnh: Xinhua

Nhờ cơ sở hạ tầng hiện có, đường ống dẫn khí xuyên Balkan từng được vận hành theo chiều ngược lại với thiết kế, với việc vận chuyển 0,5 triệu mét khối khí đốt trong năm 2023.

Theo nguồn tin thị trường của Világgazdaság, Bulgaria - quốc gia có năng lực lưu trữ khí đốt chỉ ở mức nửa tỉ mét khối - sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc tăng năng lực vận chuyển qua đường ống dẫn khí xuyên Balkan.

Theo đó, Bulgaria có thể lưu trữ khí đốt ở Ukraina vào mùa hè và vận chuyển về nước vào mùa đông.

Nhìn chung, dù vận hành như thế nào, hành lang khí đốt mới cũng là một hướng triển khai tốt cả ở góc độ thương mại và an ninh nguồn cung.

Ví dụ, nếu có vấn đề gì xảy ra với nguồn cung cấp khí đốt từ Serbia đến Hungary, sẽ có con đường thay thế để đưa khí đốt của Nga đến thị trường Hungary.

Nếu khí đốt Nga tới Ukraina thông qua hành lang này, khí đốt có thể dễ dàng được chuyển từ Ukraina tới Hungary thông qua các hệ thống đường ống dẫn khí hiện có.

Tuần trước, GTSOU đã thảo luận về việc đa dạng hóa hơn nữa các tuyến cung cấp khí đốt với DEPA - nhà nhập khẩu và cung cấp khí đốt lớn nhất Hy Lạp.

Các bên đã thảo luận về khả năng lưu trữ khí đốt của Hy Lạp ở Ukraina - ngụ ý về khả năng sử dụng hành lang đường ống dẫn khí xuyên Balkan.

Những thách thức về kỹ thuật và thương mại trong việc mở rộng công suất của đường ống dẫn khí đã được nêu rõ và các bên đã nhất trí phối hợp với những bên liên quan tiềm năng khác, trong đó có các công ty khí đốt của Bulgaria, Romania và Moldova.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn