MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UNICEF cho biết sẽ chuyển 2 tỉ liều vaccine COVID-19 tới các nước nghèo vào năm 2021. Ảnh: AFP

UNICEF chuyển 2 tỉ liều vaccine COVID-19 tới các nước nghèo vào năm 2021

Phương Linh LDO | 23/11/2020 11:41
Gần 2 tỉ liều vaccine COVID-19 sẽ được chuyển tới các nước nghèo trong năm 2021, UNICEF cho hay.

Reuters dẫn nguồn tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) hôm 23.11 cho biết, gần 2 tỉ liều vaccine COVID-19 sẽ được vận chuyển tới các nước nghèo trong năm 2021 trong một ''hoạt động với quy mô khổng lồ''.

Cơ quan này đang làm việc với hơn 350 hãng hàng không và công ty vận tải để vận chuyển vaccine và 1 tỷ ống tiêm đến các nước nghèo như Burundi, Afghanistan và Yemen trong khuôn khổ chương trình COVAX.

Chương trình COVAX - đồng dẫn đầu bởi Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Sẵn sàng Phòng dịch (CEPI) - nhằm mục đích ngăn các chính phủ tích trữ vaccine COVID-19 và tập trung vào việc tiêm chủng vaccine trước tiên cho những người có nguy cơ cao nhất ở mọi quốc gia.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đảm bảo phân phối công bằng vaccine, thuốc và xét nghiệm COVID-19 để các nước nghèo hơn không bị bỏ rơi.

Theo WHO, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, việc tiếp cận với vaccine đã không bình đẳng với khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh không được tiêm những loại vaccine có thể cứu chúng khỏi các bệnh hiểm nghèo, tử vong, tàn tật và ốm yếu.

Bà Etleva Kadilli, Giám đốc bộ phận Cung ứng của UNICEF, cho biết: “Chúng tôi cần tất cả cùng chung tay ngay khi chúng tôi sẵn sàng các liều vaccine COVID-19, ống tiêm và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác để bảo vệ nhân viên tuyến đầu chống dịch trên toàn cầu''.

Vai trò của UNICEF trong chương trình COVAX bắt nguồn từ vị thế là nhà thu mua vaccine duy nhất lớn nhất trên thế giới.

Cơ quan này thu mua hơn 2 tỉ liều vaccine hàng năm cho công tác tiêm chủng định kỳ và ứng phó với dịch bệnh cho gần 100 quốc gia trên thế giới.

Các nhà sản xuất thuốc và các trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới đang chạy đua để phát triển vaccine COVID-19. Một số ứng cử viên vaccine đang tiến hành thành công các cuộc thử nghiệm quy mô lớn trên toàn cầu thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người.

Vaccine COVID-19 của Pfizer và BioNTech sẽ được Mỹ và Châu Âu cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng tới sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine này cho thấy tỉ lệ thành công lên tới 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Moderna tuần trước đã công bố dữ liệu sơ bộ về vaccine của họ, cho thấy hiệu quả tới 94,5% .

Kết quả tốt hơn mong đợi từ hai loại vaccine trên đã làm dấy lên hy vọng sẽ chấm dứt một đại dịch đã giết chết hơn 1,3 triệu người và tàn phá các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn