MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen. Ảnh: ĐSQ.

Ưu tiên chính của Na Uy là hỗ trợ rà phá bom mìn vì mục đích nhân đạo

Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam LDO | 04/04/2019 07:00

Nhân ngày Quốc tế Phòng chống Bom mìn (4.4), bà Grete Lochen - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam chia sẻ với Lao Động bài viết “Vì một nền hòa bình dài lâu”, nêu quan điểm về hoạt động phòng chống bom mìn tại Việt Nam, cũng như nỗ lực hỗ trợ toàn cầu của Na Uy trong lĩnh vực này.

Hỗ trợ hoạt động bom mìn là một phần quan trọng trong chính sách nhân đạo, đồng thời cũng là nghĩa vụ của Na Uy trong các công ước quốc tế bao gồm Công ước chống mìn sát thương, được thông qua tại Oslo năm 1997 và Công ước chống Bom chùm mà Na Uy là nước đầu tiên ký kết năm 2008. Bảo vệ người dân trước nguy cơ bom mìn và vật nổ cũng là trọng tâm của Chiến lược hoạt động nhân đạo quốc gia mà Na Uy mới thông qua năm 2018.

Hỗ trợ hoạt động bom mìn không chỉ đơn thuần là rà phá bom mìn (RPBM) và bảo toàn tính mạng cho người dân, nó còn gắn bó chặt chẽ với phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Sau khi dỡ bỏ bom mìn, người dân có thể sinh sống và canh tác an toàn trên mảnh đất của mình, nhờ đó vấn đề nghèo đói và an ninh lương thực sẽ được giải quyết. Trẻ em được đến trường, các nhà máy xử lý nước, trạm phát điện và đường dây tải điện được phục hồi, đảm bảo cung cấp nước sạch và điện cho người dân...

Công ước Chống mìn sát thương có thể coi là một trong những hiệp định giải trừ vũ khí thành công nhất trong thời gian qua. Sau 20 năm, 164 quốc gia đã tham gia Công ước, 52 triệu quả mìn đã bị phá hủy. Khó có thể biết bao nhiêu sinh mạng đã được cứu sống, nhưng chắc chắn mỗi trong số 52 triệu quả mìn này đã cứu được một con người hoặc một bộ phận trên cơ thể khỏi bị thương tật.

Những vùng đất rộng lớn đã được giải phóng hoàn toàn khỏi bom mìn và trả lại cho người dân địa phương. Hiện đã có 30 quốc gia phá bỏ toàn bộ mìn sát thương trên lãnh thổ của mình, trong đó có cả những nước chưa phải thành viên của Công ước.

Năm 2019 là năm thứ 20 kỷ niệm ngày có hiệu lực của Công ước Chống mìn sát thương. Đây cũng là năm Na Uy đóng vai trò là nước Chủ tịch của Công ước này. Trên cương vị Chủ tịch Công ước năm 2019, ưu tiên chính của Na Uy là hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn vì mục đích nhân đạo để bảo vệ người dân.

Cùng với Mỹ, Đức, EU và Nhật, Na Uy hiện là một trong 5 nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động rà phá mìn và bom chùm trên thế giới. Hiện tại, Na Uy đang hỗ trợ cho 18 quốc gia trong đó có Việt Nam. Năm 2017, Na Uy góp khoảng gần 40 triệu USD cho hoạt động này và con số này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019. Các khoản tài trợ của Na Uy chủ yếu được điều phối thông qua các tổ chức nhân đạo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trực tiếp phối hợp với các tổ chức rà phá bom mìn ở cấp quốc gia.

Tháng 11 năm nay, Na Uy sẽ đăng cai Hội nghị Rà soát lần thứ 4 của Công ước chống mìn sát thương (được tổ chức 5 năm 1 lần). Chúng tôi mong được chào đón các quốc gia thành viên và quan sát viên của Công ước tới tham dự Hội nghị.

Kế hoạch Hành động Oslo, được thông qua tại phiên họp này, sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ để giúp hiện thực hóa mục tiêu “Vì một thế giới không có mìn sát thương vào năm 2025”. Đây là khát vọng đòi hỏi sự phối hợp và nỗ lực lâu dài của nhiều quốc gia, vì thế Na Uy sẽ tiếp tục công việc nhân đạo này của mình trong nhiều năm tới.

Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) là một trong ba tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo lớn nhất thế giới. NPA hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực bom mìn trên toàn thế giới kể cả Việt Nam.

Từ năm 2008, NPA đã hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm thiểu nguy cơ bom chùm và vật nổ tồn lưu sau chiến tranh, đảm bảo người dân có thể sinh sống bình yên và không ảnh hưởng tới quá trình phát triển. NPA vừa trực tiếp thực hiện các hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn, vừa xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương ở Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn