MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu mới phát hiện vaccine COVID-19 tạo ra kháng thể trung hòa có trong sữa mẹ. Ảnh: AFP

Vaccine COVID-19 tạo ra kháng thể trung hòa trong sữa mẹ

Phương Linh LDO | 11/11/2021 08:10
Vaccine COVID-19 tạo ra kháng thể trung hòa trong sữa mẹ, bộ nhớ virus SARS-CoV-2 trong cơ thể con người, giúp ngăn chặn lây nhiễm mới là 2 trong số kết quả nghiên cứu gần đây về COVID-19.

Vaccine COVID-19 tạo ra kháng thể trung hòa trong sữa mẹ

Theo một phát hiện mới được công bố ngày 10.11 trên tạo chí nhi khoa JAMA Pediatrics của Mỹ, trẻ sơ sinh có thể được hưởng lợi từ kháng thể COVID-19 trong sữa mẹ bất kể người mẹ nhận được kháng thể do bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay nhờ tiêm chủng vaccine. Các nhà khoa học đã nghiên cứu kháng thể trong các mẫu sữa mẹ từ 47 bà mẹ đã bị nhiễm virus và 30 bà mẹ khỏe mạnh đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 của Pfizer hoặc Moderna.

Trưởng nhóm nghiên cứu Bridget Young của trường Y và Nha khoa thuộc Đại học Rochester ở New York cho biết, các kháng thể từ cả 2 nhóm đều có thể vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 đang hoạt động. Bên cạnh đó, trong khi các kháng thể sản sinh do nhiễm virus duy trì trong sữa mẹ trong thời gian dài hơn, thì mức độ kháng thể do tiêm chủng "đồng đều hơn nhiều".

Vì vậy, sẽ là rất có lợi khi chủng ngừa vaccine ngay cả sau khi đã từng mắc COVID-19 vì sữa mẹ khi đó sẽ chứa nhiều loại kháng thể. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã không xem xét ảnh hưởng của các kháng thể đối với trẻ nhỏ tiêu thụ sữa mẹ chứa kháng thể này.

Bộ nhớ virus SARS-CoV-2 của cơ thể có thể ngăn chặn lây nhiễm mới

Một báo cáo đăng tải trên tạp chí Nature ngày 10.11 cho biết, các nhân viên y tế không có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, mặc dù tiếp xúc nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh. Điều này là do họ có các tế bào T đã tấn công một phần của virus và tạo ra các bản sao của chính nó. 

Sau khi nghiên cứu trường hợp của 58 nhân viên y tế, các nhà khoa học nhận thấy tế bào T của họ phản ứng mạnh hơn với một phần của virus, được gọi là RTC - rất giống với tất cả các virus corona ở người và động vật, bao gồm cả các biến thể COVID-19

Họ nghi ngờ các tế bào T đã nhận ra RTC vì đã "nhìn thấy" nó trên các loại virus khác trong quá trình lây nhiễm khác. Điều đó khiến RTC có khả năng trở thành mục tiêu tốt cho vaccine, nhưng vẫn cần thêm nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này. Các nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu Mala Maini và Leo Swadling từ Đại học College London, nói thêm rằng, những dữ liệu này được thu thập trong đợt đại dịch đầu tiên, do đó "Chúng tôi không biết liệu cơ chế này có xảy ra đối với nhiều loại biến thể dễ lây nhiễm hơn đang lưu hành hay không".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn