MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ va chạm sao Mộc mới nhất được các nhà thiên văn học Nhật Bản ghi lại. Ảnh: Đại học Kyoto

Vật thể bí ẩn liên tục đâm vào sao Mộc

Hải Anh LDO | 20/10/2021 13:32
Khoảnh khắc lóe sáng trên sao Mộc được các nhà thiên văn học Nhật Bản ghi lại chỉ một tháng sau một vụ va chạm khác ở hành tinh khí này. 

Video luồng sáng bí ẩn xuất hiện phía trên sao Mộc do nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của nhà thiên văn học Ko Arimatsu thuộc Đại học Kyoto, Nhật Bản, công bố.

Video được cho là vật thể bí ẩn đâm vào sao Mộc trong khoảng 4 giây vào ngày 15.10. Sự kiện xảy ra ở vùng nhiệt đới phía bắc của sao Mộc, gần rìa phía nam của vành đai ôn đới phía bắc.

This browser does not support the video element.

Video ánh sáng bí ẩn ở sao Mộc. Nguồn: Đại học Kyoto

Nếu ánh sáng bí ẩn trên sao Mộc được xác nhận là do va chạm thì đây sẽ là lần thứ 9 các nhà khoa học quan sát được sự kiện này trên hành tinh khí khổng lồ. Va chạm trên sao Mộc được ghi nhận lần gần đây nhất vào ngày 13.9. 

"Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng tôi thành công trong việc quan sát đồng thời tia sáng lóe lên tại thời điểm một thiên thể nhỏ va chạm với bề mặt sao Mộc lúc 22h24 ngày 15.10" - Sky and Telescope dẫn chia sẻ của nhóm nghiên cứu Nhật Bản trên Twitter. 

Sao Mộc va chạm với hàng chục, thậm chí hàng trăm tiểu hành tinh mỗi năm. Những vụ va chạm vũ trụ xảy ra bởi hành tinh khí khổng lồ này hoạt động như một vật cản để ngăn các vật thể va chạm với Trái đất. Tuy nhiên, ghi lại được hình ảnh hoặc video về sự kiện này là rất hiếm. 

Vụ va chạm đầu tiên trên sao Mộc được quan sát từ Trái đất là sao chổi Shoemaker-Levy 9 (SL9) va chạm hành tinh này tháng 7.1994. 

Ánh sáng bí ẩn xuất hiện trên sao Mộc ngày 15.10. Ảnh: Đại học Kyoto

Hồi tháng 9, các nhà thiên văn nghiệp dư đã ghi lại được vệt sáng vài giây trên sao Mộc. Khi đó, nhà thiên văn học người Đức Harald Paleske đang quan sát bóng của mặt trăng Io của sao Mộc. Ông phát hiện vụ va chạm khi mặt trăng Io đang tạo ra nhật thực trong bầu khí quyển của sao Mộc. 

Khi nhìn thấy ánh sáng bí ẩn, Paleske quan sát lại với hi vọng xác định được nguồn sáng. Ông nhận ra ánh sáng ở bầu khí quyển của sao Mộc và có thể quan sát được trong 2 giây. Nhà thiên văn học nghiệp dư người Đức cũng loại trừ khả năng có ánh sáng từ Trái đất hoặc vệ tinh ngẫu nhiên nào di chuyển qua vào thời điểm đó. "Chớp sáng đó khiến tôi bất ngờ. Nó chỉ có thể là một vụ va chạm" - ông chia sẻ với Space Weather. 

Một nhà thiên văn nghiệp dư khác ở Brazil cũng ghi lại được vụ va chạm vũ trụ hiếm thấy này.

Nhà thiên văn José Luis Pereira đặt thiết bị ở São Caetano do Sul, thuộc bang São Paulo, đông nam Brazil vào ngày 12.9 và hướng thiết bị về phía sao Mộc. 

Ánh sáng bí ẩn xảy ra ở vùng nhiệt đới phía bắc của Sao Mộc, gần rìa phía nam của vành đai ôn đới phía bắc. Ảnh: Đại học Kyoto

"Tôi ngạc nhiên khi nhận thấy một ánh sáng khác trên hành tinh, nhưng tôi không chú ý nhiều vì cho là nó có thể liên quan tới các thông số được thiết lập và tôi tiếp tục quan sát bình thường" - Pereira chia sẻ với Space.com.

Nhà thiên văn Brazil chỉ kiểm tra kết quả ngày 14.9 khi nhận được cảnh báo về khả năng có va chạm vào đêm ông quan sát sao Mộc. Sau đó, ông gửi thông tin cho nhà khoa học Marc Delcroix của Hiệp hội Thiên văn Pháp, và được xác nhận video đã ghi lại vụ va chạm trên sao Mộc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn