MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh chụp bằng thiết bị FORS2 trên Kính viễn vọng rất lớn của ESO vào cuối năm 2019, khi sao chổi 2I / Borisov đi qua gần mặt trời. Ảnh: ESO.

Vật thể liên sao bí ẩn là sao chổi ngoại lai nguyên sơ nhất từng thấy?

Hải Anh LDO | 31/03/2021 09:16
2I/Borisov - vật thể liên sao thứ hai và được phát hiện gần đây nhất trong hệ mặt trời, có thể là một trong những sao chổi nguyên sơ nhất từng được quan sát thấy.

Vật thể liên sao 2I/Borisov được nhà thiên văn nghiệp dư Gennady Borisov phát hiện vào tháng 8.2019. Vài tuần sau đó, vật thể này được xác định là đến từ bên ngoài hệ mặt trời.

Quan sát mới từ Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài thiên văn phía Nam của Châu Âu (Tổ chức Nghiên cứu thiên văn Châu Âu tại nam bán cầu - ESO) xác định 2I/Borisov là một trong những sao chổi nguyên sơ nhất từng được quan sát thấy.

“2I/Borisov có thể đại diện cho sao chổi nguyên sơ thực sự đầu tiên từng được quan sát" - chuyên gia Stefano Bagnulo thuộc Đài quan sát và Trạm thiên văn Armagh, Bắc Ireland, Vương quốc Anh - cho biết.

Vật thể liên sao 2I/Borisov có thể là sao chổi nguyên sơ thực sự đầu tiên được quan sát thấy. Ảnh: ESO.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, sao chổi này chưa bao giờ đi qua gần bất kỳ ngôi sao nào trước khi bay ngang hệ mặt trời vào năm 2019.

Bagnulo và các đồng nghiệp của ông đã sử dụng thiết bị FORS2 trên Kính thiên văn rất lớn của Đài thiên văn phía Nam của Châu Âu, nằm ở phía bắc Chile, để nghiên cứu chi tiết 2I/Borisov bằng cách sử dụng một kỹ thuật đo phân cực.

Vì kỹ thuật này thường xuyên được sử dụng để nghiên cứu sao chổi và các thiên thể nhỏ khác trong hệ mặt trời nên nhóm nghiên cứu có thể so sánh vật thể liên sao 2I/Borisov với các sao chổi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, 2I/Borisov có các đặc tính phân cực khác với các đặc tính của các sao chổi trong hệ mặt trời, ngoại trừ Hale – Bopp.

Sao chổi Hale – Bopp thu hút sự chú ý cuối những năm 1990 do có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường và cũng là một trong những sao chổi nguyên sơ nhất mà các nhà thiên văn từng thấy.

Trước hành trình gần đây nhất, sao chổi Hale – Bopp được cho là đã đi qua mặt trời chỉ một lần và do đó hầu như không bị ảnh hưởng bởi gió và bức xạ mặt trời. Điều này có nghĩa là sao chổi này còn nguyên sơ, có thành phần rất giống với thành phần của đám mây khí và bụi và phần còn lại của hệ mặt trời, được hình thành từ khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Qua phân tích sự phân cực cùng với màu sắc của sao chổi để thu thập manh mối về thành phần của nó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng, 2I/Borisov thậm chí còn nguyên sơ hơn Hale – Bopp. Điều này có nghĩa là sao chổi này mang các đặc trưng nguyên sơ của các đám mây bụi và khí hình thành nên sao chổi.

Ảnh mô phỏng bề mặt của sao chổi 2I/Borisov. Ảnh: ESO.

“Thực tế là hai sao chổi giống nhau đến mức cho thấy môi trường mà 2I/Borisov khởi nguồn không quá khác biệt về thành phần so với môi trường trong hệ mặt trời sơ khai" -Alberto Cellino, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Ông là thành viên Đài quan sát vật lý thiên văn Torino, Viện Vật lý thiên văn quốc gia (INAF), Italia.

Olivier Hainaut, nhà thiên văn học tại Đài thiên văn phía Nam của Châu Âu - người nghiên cứu sao chổi và các vật thể gần trái đất khác nhưng không tham gia vào nghiên cứu mới này - cũng tán đồng với kết quả. “Kết quả chính - rằng 2I/Borisov không giống bất kỳ sao chổi nào khác ngoại trừ Hale-Bopp - là rất mạnh" - ông nói. Ông cũng cho rằng, điều này là rất hợp lý khi các sao chổi hình thành trong những điều kiện rất giống nhau.

“Sự xuất hiện của 2I/Borisov từ không gian liên sao đại diện cho cơ hội đầu tiên để nghiên cứu thành phần của một sao chổi từ một hệ hành tinh khác và kiểm tra xem vật chất đến từ sao chổi này có khác với sao chổi bản địa của chúng ta hay không" - chuyên gia Ludmilla Kolokolova, Đại học Maryland ở Mỹ, chia sẻ. Chuyên gia Ludmilla Kolokolova cũng trong nhóm nghiên cứu về vật thể liên sao 2I/Borisov vừa công bố trên Nature Communications.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn