MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vệ tinh ELSA-d của Astroscale đang hút rác vũ trụ bằng cách sử dụng nam châm. Ảnh: Astroscale

Vệ tinh dọn rác vũ trụ đầu tiên được phóng vào quỹ đạo trái đất

Thanh Hà LDO | 24/03/2021 16:20
Trong bối cảnh quỹ đạo trái đất bị ô nhiễm nghiêm trọng, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian vũ trụ đang tìm cách dọn rác vũ trụ bằng cách phóng vệ tinh dọn dẹp thương mại đầu tiên trên thế giới.

Vệ tinh dọn rác trong không gian vũ trụ đầu tiên trên thế giới vừa được phóng vào quỹ đạo trái đất, Công ty Astroscale của Nhật Bản thông báo ngày 23.3.

Vệ tinh mang tên End-of-Life Services by Astroscale demonstration (ELSA-d) đảm nhận sứ mệnh làm sạch không gian vũ trụ thông qua nỗ lực giảm lượng rác nguy hiểm rải rác trên quỹ đạo trái đất.

Vệ tinh này mang theo các mảnh rác vũ trụ giả có gắn tấm từ tính cần thiết được tích hợp sẵn. Trên quỹ đạo trái đất, ELSA-d sẽ thả các mảnh rác vũ trụ giả sau đó thực hiện bước thu gom lại mảnh rác này.

Theo Astroscale, ELSA-d có thể dọn được cả các mảnh rác vũ trụ ổn định hoặc chuyển động liên tục.

Nếu thử nghiệm thành công, trong tương lai, các công ty vệ tinh có thể đưa tấm từ tính tích hợp vào các tàu vũ trụ và thuê Astroscale loại bỏ các vệ tinh không còn hoạt động khỏi quỹ đạo.

Nobu Okada - người sáng lập và Giám đốc điều hành Astroscale - cho biết: “Hành trình của chúng tôi đến thời điểm này đã lâu dài, đầy thử thách và được đền đáp. Giờ đây bắt đầu một hành trình tiên phong cho chính ELSA-d. Một kỷ nguyên mới của sự bền vững trong không gian bắt đầu với chuyến đi này, và chứng kiến ​​ELSA-d rời trụ sở của chúng tôi ở Tokyo là thời khắc đầy mạnh mẽ".

ELSA-d được phóng hôm 22.3 từ Kazakhstan trên tên lửa Soyuz 2.1a cùng với 37 vệ tinh khác. Astroscale xác nhận trên Twitter về vụ phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo.

Các mảnh vỡ không gian vũ trụ đã trở thành một vấn đề ngày càng tăng khi quỹ đạo trái đất có nhiều vệ tinh hơn. Theo cơ sở dữ liệu vệ tinh của tổ chức Union of Concerned Scientists, có 3.372 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo trái đất. NASA cho hay, hàng nghìn mảnh rác có thể quan sát bao gồm các tên lửa đẩy bị bỏ lại, các vệ tinh vô chủ, các mảnh rơi ra từ các tàu vũ trụ.

Rác ngoài trái đất là mối nguy hiểm đối với hàng nghìn vệ tinh đang hoạt động và các sứ mệnh không gian có người lái. Dù các tàu vũ trụ được bảo vệ khỏi các tác động nhưng những mảnh rác vũ trụ cũng có thể gây ra thiệt hại đáng kể. Năm 2009, vụ va chạm vệ tinh lớn đầu tiên giữa một vệ tinh của Nga không còn hoạt động với một vệ tinh đang hoạt động của Mỹ khiến cả 2 bị phá hủy.

Bài viết của tác giả Donald Kessler của NASA cho hay, khi số lượng vệ tinh và rác tăng lên, xác suất va chạm cũng sẽ tăng lên. Hơn nữa, các vụ va chạm có thể dẫn đến một hiệu ứng tầng gọi là hiệu ứng Kessler dẫn đến loạt các vụ va chạm mở rộng. Điều này cuối cùng sẽ dẫn tới hình thành một vành đai tiểu hành tinh nhân tạo. Việc các vệ tinh bị phá hủy hàng loạt sẽ gây ra sự phân tán nghiêm trọng trên một hành tinh phụ thuộc vào GPS và các tiện ích hiện đại khác từ không gian vũ trụ mang lại như trái đất.

Astroscale và các công ty khởi nghiệp không gian khác đang tìm cách ngăn chặn việc hình thành một môi trường không gian không thể xâm nhập và không an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn