MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vén màn bí mật "nấm đen" nguy hiểm tấn công bệnh nhân COVID-19 Ấn Độ

Bảo Châu LDO | 25/05/2021 19:05
Sự lây lan các ca nhiễm ''nấm đen'' trong bệnh nhân COVID-19 đang làm tăng thêm thách thức cho hệ thống y tế vốn đang căng thẳng ở Ấn Độ.

Bệnh ''nấm đen'' là gì?

''Nấm đen'' là cách gọi địa phương cho căn bệnh Mucormycosis - một bệnh nhiễm trùng do nhiều chủng nấm, gây ra triệu chứng đen hoặc đổi màu ở mũi, sưng và lòa mắt, đau ngực, khó thở, ho ra máu.

Căn bệnh này có mối liên hệ chặt chẽ với bệnh tiểu đường và các tình trạng tổn thương hệ thống miễn dịch. Các chuyên gia cho rằng việc lạm dụng một số loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch trong suốt thời kỳ COVID-19 có thể đã làm gia tăng các ca nhiễm ''nấm đen''.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy bệnh Mucormycosis có tỉ lệ tử vong là 54%, có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh và các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

Các bang trên khắp Ấn Độ đã báo cáo hơn 5.000 ca mắc nấm hiếm gặp này trong những tuần gần đây, chủ yếu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc đang bình phục sau mắc COVID-19.

Bệnh ''nấm đen'' có lây lan không?

Căn bệnh này không lây, có nghĩa là nó không thể lây lan thông qua tiếp xúc giữa người hoặc động vật. Nhưng nó lây lan từ các bào tử nấm có trong không khí hoặc trong môi trường, và hầu như không thể tránh khỏi.

K Bhujang Shetty - người đứng đầu bệnh viện mắt chuyên khoa Narayana Nethralaya ở thành phố Bangalore của Ấn Độ - cho biết: “Vi khuẩn và nấm đã có sẵn trong cơ thể chúng ta, nhưng chúng bị kiểm soát bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm do điều trị ung thư, tiểu đường hoặc sử dụng steroid, thì những sinh vật này sẽ chiếm ưu thế hơn và chúng sinh bắt đầu sôi nảy nở''.

Sử dụng bình ôxy, máy thở không được vệ sinh sạch sẽ có phải nguyên nhân gây nhiễm nấm?

Các chuyên gia nói rằng điều kiện vệ sinh không đảm bảo có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng.

Theo bác sĩ nhãn khoa Nishant Kumar tại Bệnh viện Hinduja ở thành phố Mumbai: “Rất nhiều ô nhiễm trong các đường ống dẫn, bình ôxy và các máy tạo ẩm đang được sử dụng''.

Do đó, nếu bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và đã sử dụng các thiết bị này trong một thời gian dài, thì bệnh ''nấm đen'' càng có cơ hội xâm nhập hơn.

Tuy nhiên, quan điểm này vẫn đang gây tranh cãi.

Bác sĩ SP Kalantri - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Khoa học Y tế Mahatma Gandhi ở bang Maharashtra - lại cho rằng: "Tình trạng ô nhiễm ở các bệnh viện đã có từ trước tháng 4 - thời điểm gia tăng lây lan các ca nhiễm nấm. Chúng tôi cần các nghiên cứu dịch tễ học để đánh giá lý do tại sao những ca bệnh này lại gia tăng".

Tại sao lại là bệnh ''nấm đen'' mà không phải bệnh truyền nhiễm khác?

COVID-19 có liên quan đến một loạt các bệnh nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn và nấm khác, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng làn sóng đại dịch COVID-19 lần 2 của Ấn Độ đã tạo ra một môi trường hoàn hảo cho bệnh ''nấm đen''.

Ôxy thấp, bệnh tiểu đường, nồng độ sắt cao, ức chế miễn dịch, cùng với một số yếu tố khác bao gồm cả việc nhập viện điều trị kéo dài bằng máy thở cơ học chính là một môi trường lý tưởng dẫn đến nhiễm nấm Mucormycosis.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn