MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đặt hoa tưởng niệm cựu Tổng thư ký Dag Hammarskjold tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: Shutterstock

Vén màn vụ rơi máy bay bí ẩn làm cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tử nạn

Song Minh LDO | 09/10/2019 08:49
Anh, Mỹ, Nga và Nam Phi bị cáo buộc giấu thông tin về vụ rơi máy bay làm cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold tử nạn.

Vụ rơi máy bay bí ẩn làm cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thiệt mạng năm 1961 có thể là do một cuộc tấn công có chủ ý từ bên ngoài - tờ Independent dẫn một cuộc điều tra mới cho biết.

Ông Dag Hammarskjold đang thực hiện chuyến bay trong một sứ mệnh hòa bình gây tranh cãi đến đất nước Congo bị chiến tranh tàn phá thì chiếc máy bay DC-6 bị rơi ở Zambia, mặc dù điều kiện thời tiết khi đó hoàn hảo và phi hành đoàn có kinh nghiệm.

Anh, Mỹ, Nga và Nam Phi - các nước có lực lượng chính thức hoặc phi chính thức liên quan đến cuộc xung đột dân sự ở Congo - bị cáo buộc giấu thông tin về thảm kịch, theo báo cáo điều tra mới dài 95 trang của Liên Hợp Quốc.

Tất cả 4 nước, cùng một loạt cường quốc phương Tây khác, có hứng thú với cuộc chiến khi các công ty quốc tế lớn tìm cách tiếp cận với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của khu vực sau khi Congo giành độc lập từ Bỉ 1 năm trước đó.

"Có vẻ hợp lý rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do một cuộc tấn công từ bên ngoài hoặc đe dọa tấn công, khiến phi công mất tập trung trong chốc lát" - báo cáo mới của cựu Bộ trưởng Tư pháp Tanzania, Mohamed Chande Othman, cho biết.

Cuộc điều tra dựa trên thông tin mới - ông Othman nói, bao gồm những giải thích mới về nguyên nhân vụ tai nạn, những bức ảnh hiện trường tai nạn, việc ngăn chặn các thông tin liên quan, vai trò của kiểm soát không lưu và thông tin thêm về khả năng quân sự của các bên khác nhau trong khu vực.

"Sự hiện diện trong khu vực của nhân viên bán quân sự nước ngoài, bao gồm phi công và nhân viên tình báo, có nghĩa là không thể loại trừ một cuộc tấn công bên ngoài" - báo cáo cho biết.

Trong khi cuộc điều tra được cho là có tiến triển, đương kim Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng "rõ ràng cần tiếp tục nhanh chóng điều tra để làm rõ sự thật của thảm kịch".

Ông Guterres cho biết, 14 quốc gia đã được yêu cầu chỉ định một người độc lập để đánh giá nội bộ toàn diện về tài liệu lưu trữ tình báo, an ninh và quốc phòng như một phần của cuộc điều tra.

Hầu hết các nước đã tuân thủ, nhưng Anh, Mỹ, Nga và Nam Phi chưa cung cấp câu trả lời thật sự về những tài liệu quan trọng và bằng chứng mà họ có thể nắm giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn