MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Syria bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh. Ảnh: CNN

Vì sao Nga có thể phủ quyết nghị quyết ngừng bắn Syria tại Liên Hợp Quốc?

Khánh Minh LDO | 19/09/2019 11:30
Nga có thể phủ quyết dự thảo Nghị quyết về Syria trong cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Một nguồn tin ngoại giao tại Liên Hợp Quốc cho Sputnik biết, Nga có thể phủ quyết dự thảo kêu gọi ngừng bắn ở phía tây bắc Syria trong cuộc bỏ phiếu ngày 19.9 tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Vào tháng 8, bộ ba gồm Đức, Bỉ và Kuwait đề xuất một dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở các vùng tây bắc Syria và đảm bảo tiếp cận cho các cơ quan viện trợ ở đó.

"Ngày mai sẽ có một cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết vào 15h00 giờ EDT. Đây là một tình huống khó khăn, chính xác là bởi Nga phản đối việc thông qua nghị quyết. Do vậy hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra" - nguồn tin nói với Sputnik hôm 18.9.

Nguồn tin giải thích rằng Nga và Mỹ cho đến nay không tìm được đồng thuận về câu chữ của tài liệu. "Vì những người đồng nghiệp Bỉ, Đức và Kuwait đang tham gia nên họ cố gắng tìm một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho tất cả mọi người" - nguồn tin nói.

Ngày 16.9, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, lệnh ngừng bắn hiện tại ở thành phố Idlib của Syria đã bị các phần tử cực đoan Hồi giáo vi phạm.

Tổng thống Vladimir Putin sau đó nói rằng Idlib bị kiểm soát bởi các nhóm cực đoan có liên kết với tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nga cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm chấm dứt tình hình căng thẳng.

Ông Putin nhấn mạnh, Nga quyết tâm hỗ trợ quân đội Syria tiến hành các hoạt động ngăn chặn mối đe dọa khủng bố.

Để một nghị quyết được thông qua tại cần có 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết nào trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là các bên bảo đảm cho lệnh ngừng bắn ở Syria. Nga thường xuyên thực hiện các hoạt động nhân đạo trên khắp Syria và giúp người tị nạn Syria trở về nước.

Chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ bị khủng bố chiếm giữ vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, các chiến dịch chống khủng bố vẫn tiếp tục ở một số khu vực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn