MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị Saildrone Explorer 1045 có cánh vượt bão thử nghiệm ở vịnh San Francisco. Ảnh: Saildrone

Video cận cảnh robot rẽ sóng vào giữa tâm bão Sam gây sửng sốt

Thanh Hà LDO | 01/10/2021 08:38
Những con sóng trong bão Sam ở Đại Tây Dương gây sửng sốt được ghi lại qua ván lướt sóng robot mà các nhà khoa học gửi đi. 

Các nhà khoa học cùng công ty Saildrone và Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã gửi ván lướt sóng robot vào tâm bão cấp 4 Sam hôm 30.9 trong nhiệm vụ khoa học đầu tiên ở dạng này nhằm tìm hiểu về các cơn bão, Washington Post đưa tin. 

Video sóng giữa tâm bão Sam được ghi lại ngay phía đông bắc của tâm bão mô tả khung cảnh biển mù sương và những con sóng khổng lồ lắc lư. 

Saildrone là công ty sản xuất các tàu thăm dò thu thập dữ liệu đại dương để sử dụng trong nghiên cứu môi trường. Thiết bị của công ty có 3 kích cỡ khác nhau và có thể gắn vào thiết bị đo thời tiết và điều kiện đại dương, lập bản đồ đáy biển và thậm chí theo dõi “sinh khối” hoặc cá và các sinh vật sống trong nước khác.

Hồi tháng 6, công ty công bố kế hoạch trang bị thêm cho 5 đơn vị “Explorer” cỡ trung bình những đôi cánh bão chuyên dụng có khả năng xâm nhập vào những cơn bão dữ dội nhất. 

This browser does not support the video element.

Cận cảnh sóng ở Đại Tây Dương giữa bão cấp 4 Sam do robot ghi lại. Nguồn: NOAA

Các tàu thăm dò Saildrone thông thường có đôi cánh giống như cột buồm gắn các thiết bị khoa học chịu được sức gió tới 96km/h. Tuy nhiên, thiết bị mới nhất gửi vào cơn bão Sam dài 7m là đã được trang bị cánh hiện đại hơn để trở thành ​thiết bị không người lái đầu tiên trên biển có thể đi vào các cơn bão lớn, chống chọi với sóng cao tới 15m và gió giật hơn 193km/h. 

"Saildrone sẽ đi đến nơi chưa từng có tàu nghiên cứu nào mạo hiểm, đi thẳng vào mắt bão, thu thập dữ liệu sẽ làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về những cơn bão mạnh này” - Richard Jenkins, người sáng lập và giám đốc điều hành của Saildrone, nói. 

Công ty đang nghiên cứu để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa đại dương và khí quyển, cũng như sự trao đổi nhiệt năng và các hợp chất hóa học ở đây. 

Các thiết bị của Saildrone từng dùng để nghiên cứu những cơn bão nổi tiếng khốc liệt ở Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương. Ông Jenkins mô tả những cơn bão ở đây là "biên giới cuối cùng cho khả năng sống sót của Saildrone". 

This browser does not support the video element.

Mắt bão Sam, cơn bão cấp 4 đang di chuyển ở Đại Tây Dương, nhìn từ vũ trụ. Nguồn: NOAA

Nhà khoa học NOAA Greg Foltz hy vọng dữ liệu do Saildrone thu thập có thể cung cấp thông tin sâu về động lực của những cơn bão chuyển cấp nhanh, xảy ra khi một cơn bão mạnh thêm 56km/h trở lên trong vòng 24 giờ. Bão mạnh lên nhanh gây nguy hiểm lớn cho các cộng đồng ven biển và đặc biệt khó dự báo. Các nhà khoa học nhận thấy có mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và xu hướng các cơn bão mạnh lên nhanh.

Phòng thí nghiệm Môi trường biển Thái Bình Dương và Phòng thí nghiệm Khí tượng và Hải dương học Đại Tây Dương của NOAA sẽ xem xét dữ liệu mà thiết bị đi vào các cơn bão, trong đó có bão Sam, trong những tháng tới. Trong thời gian đó, đơn vị Saildrone 1045 sẽ tiếp tục sứ mệnh dũng cảm gần tâm của cơn bão mạnh nhất trên Trái đất hiện nay.

Tin bão mới nhất của NOAA ngày 1.10 cho hay, bão Sam tiếp tục duy trì là cơn bão cấp 4 trên vùng biển giữa Đại Tây Dương. Cơn bão được dự báo sẽ gây ra những đợt gió lớn và sóng lớn ở các khu vực của Caribbean và Mỹ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn