MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại sứ Đặng Đình Quý. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Việt Nam chia sẻ quan ngại về tình hình an ninh tại Mali

Hải Anh LDO | 16/01/2020 10:24
Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tăng cường sự tham gia đầy đủ, thực chất và toàn diện của phụ nữ trong tiến trình chính trị và kinh tế tại Mali.

Ngày 15.1, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã chủ trì phiên họp của Hội đồng Bảo an để nghe Báo cáo của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về tình hình chính trị, an ninh của Mali, hoạt động của Phái bộ Liên Hợp Quốc nhằm ổn định tình hình Mali (MINUSMA) và thảo luận về Kế hoạch hoạt động của MINUSMA trong thời gian tới.

Ông Jean-Pierre LaCroix - Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trình bày báo cáo của Tổng Thư ký và ông Tiébilé Dramé - Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Mali (qua video trực tuyến) đã có phát biểu tại cuộc họp.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tình hình an ninh Mali đang xấu đi, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và miền Trung đất nước. Bạo lực và khủng bố hoạt động gia tăng nhằm vào dân thường, quân đội chính phủ và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ MINUSMA làm nhiều người chết và bị thương; hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa. Khoảng 1000 trường học phải đóng cửa, trẻ em không được đến trường học hành, tạo ra những bất ổn xã hội và cơ hội cho các nhóm vũ trang chiêu mộ trẻ em và thanh thiếu niên.

Hình ảnh tại phiên họp ngày 15.1. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1.2020 đã có bài phát biểu với tư cách đại diện quốc gia, theo đó chia sẻ quan ngại với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và các nước về tình hình an ninh tại Mali; lên án các cuộc tấn công nhằm vào thường dân, các lực lượng an ninh Mali và MINUSMA.

Nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải tại Mali năm 2015 là rất cần thiết và quan trọng nhằm duy trì hòa bình, an ninh tại Mali; hoan nghênh việc tổ chức Phiên Đối thoại quốc gia bao trùm (IND) tại Mali và kêu gọi các bên liên quan tiếp tục đối thoại nhằm thực hiện Thỏa thuận.

Đại sứ kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghĩa vụ bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tăng cường sự tham gia đầy đủ, thực chất và toàn diện của phụ nữ trong tiến trình chính trị và kinh tế tại Mali; ủng hộ các hoạt động của MINUSMA và nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong hỗ trợ chính phủ Mali duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại thành phố Pau của Pháp giữa Pháp và Lực lượng G5 Sahel ngày 13.1.2020, trên cơ sở các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn