MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu dự phiên khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông sáng 16.11. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Việt Nam đã, đang và sẽ thúc đẩy Biển Đông thành vùng biển hòa bình

Thanh Hà LDO | 16/11/2020 12:35

Việt Nam đã, đang và sẽ luôn thúc đẩy để biến Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh, nơi gắn kết lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực, nơi các quốc gia thúc đẩy hợp tác và chung sống hòa bình trên cơ sở các chuẩn mực quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 khai mạc sáng 16.11. Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định, tình hình Biển Đông năm 2020 có những điểm sáng nhất định.

Trước hết, nhiều nước bày tỏ làm rõ pháp lý ở Biển Đông thông qua hàng loạt công hàm được trao đổi ở Liên Hợp Quốc.

“Việc lưu hành công hàm với những nội dung mang đậm ngôn ngữ và hàm ý pháp lý cho thấy các quốc gia ngày càng đề cao vai trò, giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển 1982, qua đó khẳng định tính chất nhất quán và phổ quát của Công ước Luật Biển đã thiết lập khuôn khổ pháp lý, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương được thực hiện. Đây chính là hành động thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật mà cộng đồng quốc tế mong muốn” - bà Phạm Lan Dung nói.

Cũng theo quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, gắn kết khu vực trong gian nan, thách thức, đúng với khẩu hiệu của năm 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”.

ASEAN tiếp tục duy trì hoạt động đối thoại trong cả năm, kể cả vấn đề Biển Đông, góp phần duy trì lòng tin, giải quyết xung đột. Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông trong duy trì thương mại toàn cầu, tự do hàng hải…

Bà Phạm Lan Dung nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng cách thức thế giới vận hành, các quốc gia phải làm quen và chủ động thích nghi với những vấn đề “bình thường mới”. Trong bối cảnh đó, Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến và đã mời được số lượng kỷ lục các diễn giả, phản biện và người tham dự hội thảo.

Hội thảo có hơn 300 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục khác nhau, 12 Đại sứ và đại diện của trên 20 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Lần đầu tiên hội thảo mời được các nhà báo quốc tế tham dự với vai trò diễn giả thảo luận về vai trò của truyền thông trong định hình nhận thức của công chúng đối với tình hình Biển Đông.

Điểm đặc biệt nữa tại hội thảo lần này là lần đầu tiên dành một phiên đặc biệt cho các lãnh đạo trẻ, nhằm bồi dưỡng thế hệ kế tiếp quan tâm nghiên cứu, thúc đẩy hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Các phiên thảo luận tại hội thảo lần này bám sát thực tiễn hơn, thảo luận các chủ đề cấp bách với sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách, tiếp tục đóng vai trò cầu nối tốt hơn giữa kênh chính thức và bán chính thức nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn