MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa - Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đảm bảo quyền tiếp cận công lí bình đẳng cho tất cả người dân

Khánh Minh LDO | 17/06/2023 06:29

Ngày 15.6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 - chủ trì phiên thảo luận cấp cao về chủ đề “Quyền tiếp cận công lí bình đẳng cho tất cả mọi người: Thúc đẩy cải cách vì xã hội hòa bình, công bằng và bao trùm”.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa - Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc - nhấn mạnh, việc tiếp cận công lí bình đẳng đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm công lí, công bằng, hiệu quả và toàn diện, góp phần thực hiện mục tiêu bao trùm của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đại diện Việt Nam khẳng định, Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc củng cố khuôn khổ pháp lí, đảm bảo mọi người bình đẳng trước pháp luật và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Ở Việt Nam, đã có các dịch vụ trợ giúp pháp lí miễn phí hoặc với chi phí hợp lí cho các cá nhân nhằm thu hẹp khoảng cách tư pháp và mang lại cơ hội bình đẳng cho người dân.

Nhiều chương trình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ phân biệt đối xử và hỗ trợ đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số.

Để bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng trong việc thực thi công lí, hệ thống tư pháp cũng không ngừng được củng cố, cùng với đó, Việt Nam cũng không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp lí, tận dụng công nghệ để hiện đại hóa các quy trình của tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho các thủ tục tố tụng trực tuyến để mọi công dân có thể dễ dàng tiếp cận công lí.

Bà Lê Thị Minh Thoa cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc quan tâm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất công như nghèo đói và bất bình đẳng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bao trùm, nâng cao phúc lợi xã hội, bình đẳng cơ hội để mọi người đều có thể tham gia vào quá trình phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn