MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Việt Nam ghi nhận Mỹ ra báo cáo bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Thanh Hà LDO | 14/01/2022 21:57
Sau khi Mỹ công bố báo cáo bác yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử" ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo này. 

Ngày 14.1.2022, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo số 150 về các ranh giới biển, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam ghi nhận việc Bộ Ngoại giao Mỹ công bố cháo cáo số 150 về các ranh giới biển”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói thêm: “Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương, theo đó Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ”.

Ngày 13.1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất về "Ranh giới trên các vùng biển" số 150 bác bỏ tất cả các yêu sách phi pháp của Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông, khẳng định việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp đã làm tổn hại nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong UNCLOS 1982.

Với việc ra báo cáo mới, Mỹ một lần nữa kêu gọi Trung Quốc đưa ra các yêu sách biển phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS 1982, tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, đồng thời chấm dứt các hoạt động cưỡng ép và bất hợp pháp của mình ở Biển Đông.

Báo cáo nhận định, kể từ khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về "Ranh giới trên các vùng biển" số 143 năm 2014 và sau Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, Trung Quốc đã tiếp tục thúc đẩy các yêu sách biển của mình trên Biển Đông, đi ngược lại với luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS 1982. 

Về các yêu sách biển của Trung Quốc, báo cáo "Ranh giới trên các vùng biển" số 150 của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận:

Thứ nhất, khẳng định các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các cấu trúc địa lý không phù hợp với định nghĩa "đảo" theo UNCLOS 1982, bao gồm các cấu trúc hoàn toàn chìm dưới nước như bãi cạn James, bãi Tư Chính và bãi Macclesfield, các cấu trúc lúc nổi lúc chìm như Đá Vành Khăn và Bãi Cỏ Mây.

Thứ hai, các đường cơ sở của Trung Quốc bao quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và ý định thiết lập các đường cơ sở xung quanh các “nhóm đảo” khác ở Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế; khẳng định Trung Quốc không thể áp đặt đường cơ sở thẳng như theo điều 7 UNCLOS đối với bốn đảo hoặc nhóm đảo mà Trung Quốc coi là bao gồm "Nam Hải Chư đảo" (bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Lập luận của Trung Quốc về "tập quán quốc tế" nằm ngoài UNCLOS nhằm biện minh cho việc áp đặt yêu sách lên các nhóm đảo cũng không có cơ sở.

Thứ ba, báo cáo phản đối mọi lập luận của Trung Quốc dựa trên yêu sách "Nam Hải chư đảo" là không phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời cũng bác bỏ tất cả các yêu sách về quyền tài phán mà Trung Quốc đã áp đặt trên Biển Đông thời gian qua như yêu cầu các tàu chiến phải xin phép trước khi thực hiện hành vi "qua lại vô hại" trong lãnh hải; đặt ra thẩm quyền ngăn chặn và trừng phạt các hành vi vi phạm luật “an ninh” ở vùng tiếp giáp lãnh hải; đặt ra hạn chế đối với các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế;

Thứ tư, phù hợp với kết luận nêu trong báo cáo số 143 năm 2014,  báo cáo số 150 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử ở Biển Đông” trái với luật pháp quốc tế. Yêu sách này đã bị Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng như Tòa Trọng tài Biển Đông 2016 phản đối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn