MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam kêu gọi bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu

Thanh Hà LDO | 21/05/2022 11:21

Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc hôm 19.5 - nhấn mạnh, Việt Nam coi bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển.

Tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung

Tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và các diễn giả quan ngại sâu sắc về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có hiện nay. Hơn 811 triệu người đang thiếu lương thực, trong đó hơn 60% sinh sống ở các nước có xung đột, bất ổn như: Afghanistan, Syria, Yemen, Ukraina... Tổng Thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo, thúc đẩy chấm dứt xung đột và việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, cũng như tăng cường các nỗ lực phát triển bền vững và giải quyết các thách thức đan xen về lương thực, năng lượng và tài chính.  

Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột.  

Đại sứ cho rằng, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân, cũng như thúc đẩy giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột. Đại sứ mong muốn Liên Hợp Quốc và các đối tác kịp thời chia sẻ thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra hoặc làm trầm trọng thêm, qua đó có thể có phản ứng kịp thời.

Cần giải pháp toàn cầu

The Economist nhận định, chiến sự Ukraina đang tàn phá hệ thống lương thực toàn cầu vốn bị suy yếu do COVID-19, biến đổi khí hậu và cú sốc năng lượng. Xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraina hầu hết ngừng lại trong khi Nga cũng ra tín hiệu không xuất khẩu lương thực để tránh tổn hại tới thị trường trong nước. Nga và Ukraina cung cấp 12% lượng lương thực giao dịch toàn cầu. Giá lúa mì đã tăng 53% kể từ đầu năm, tăng thêm 6% vào ngày 16.5, sau khi Ấn Độ báo tạm ngừng xuất khẩu vì đợt nắng nóng ở nước này. 

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo ngày 18.5 rằng "bóng ma thiếu lương thực toàn cầu" đe dọa trong những tháng tới và có thể kéo dài nhiều năm. Giá thực phẩm thiết yếu cao khiến số người thiếu ăn tăng thêm 440 triệu, lên 1,6 tỉ người. Gần 250 triệu người bên bờ vực của nạn đói. Nếu chiến sự kéo dài và nguồn cung từ Nga và Ukraina tiếp tục bị hạn chế, hàng trăm triệu người nữa có thể rơi vào cảnh nghèo đói.

Nga và Ukraina cung cấp 28% lúa mì giao dịch toàn cầu, 29% lúa mạch, 15% ngô và 75% dầu hướng dương. Hai nước đóng góp khoảng một nửa lượng ngũ cốc mà Lebanon và Tunisia nhập khẩu, 2/3 lương ngũ cốc mà Libya và Ai Cập nhập khẩu. Xuất khẩu lương thực của Ukraina cung cấp calo nuôi sống 400 triệu người, nhưng chiến sự đang làm gián đoạn những nguồn cung này.

Ngay từ trước chiến sự, Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo năm 2022 sẽ là một năm khủng khiếp. Trung Quốc, nhà sản xuất lúa mì lớn nhất, cho biết, sau những trận mưa khiến thời điểm gieo trồng năm ngoái bị hoãn, vụ mùa năm nay thể là vụ tồi tệ nhất từ ​​trước đến nay. Hiện tại, ngoài nhiệt độ khắc nghiệt ở Ấn Độ - nước sản xuất lớn thứ hai thế giới, tình trạng thiếu mưa có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng các loại lương thực khác, từ vành đai lúa mì của Mỹ đến vùng Beauce của Pháp. Vùng Sừng Châu Phi đang trong đợt hạn hán tồi tệ nhất 4 thập kỷ. 

Tất cả những điều này sẽ gây ra hậu quả cho người nghèo. Các hộ gia đình ở những nền kinh tế mới nổi chi 25% ngân sách cho thực phẩm và ở Châu Phi cận Sahara là 40%. Ở nhiều nước nhập khẩu, chính phủ không thể chi trả trợ cấp để tăng hỗ trợ người nghèo, nhất là họ phải nhập khẩu năng lượng.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn