MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Tuấn Anh

Việt Nam: Nhân tố ngày càng quan trọng ở khu vực và toàn cầu

Song Minh LDO | 19/02/2021 16:52
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam đang trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn.

Đối ngoại góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước

Trong bài viết "Tổng kết công tác đối ngoại nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII và những định hướng đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đối ngoại trong nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần tích cực vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, thu hút các nguồn lực phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng chung biên giới, các nước trong khu vực, các nước lớn, các đối tác ưu tiên, chủ chốt tiếp tục được củng cố và đi vào chiều sâu, thực chất, tạo dựng được khuôn khổ quan hệ ổn định, bền vững. Các khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện được mở rộng, trên tinh thần lựa chọn đối tác có trọng tâm, trọng điểm.

Việt Nam đang trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của các nước lớn. Đối ngoại song phương đã góp phần thiết thực vào phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ta cũng xử lý tốt các vấn đề tồn tại và phát sinh trong quan hệ với các đối tác chủ chốt, không để ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh, phát triển cũng như cục diện quan hệ đối ngoại của ta.

Hội nhập quốc tế, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Trong 5 năm qua, đối ngoại đã thúc đẩy tạo dựng nhiều khuôn khổ thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc tham gia và ký kết 2 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới là CPTPP và EVFTA và 1 FTA quy mô hàng đầu thế giới là RCEP, mang lại những cơ hội to lớn về mở rộng, đa dạng hóa thị trường và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Việt Nam ngày càng nâng tầm hiệu quả và vai trò của đối ngoại đa phương, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; từng bước phát huy vai trò hòa giải, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Ta đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, ASEM, APEC, Liên Hợp Quốc, G20, WEF và các cơ chế tiểu vùng Mekong.

Công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định. Về biên giới trên biển, mặc dù tình hình Biển Đông thời gian qua rất phức tạp, ta vẫn kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; đồng thời vẫn duy trì ổn định quan hệ song phương với các đối tác.

Công tác bảo hộ công dân và vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai kịp thời, hiệu quả, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta: Triển khai bảo hộ công dân đối với trên 50.000 công dân, trên 600 vụ/1.000 tàu/gần 10.000 ngư dân; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến công dân ta tại nước ngoài trong đại dịch COVID-19.

Ta đã chủ động, kiên quyết đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo đồng thời thường xuyên thông tin, đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt.

Công tác ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại được đổi mới hình thức và nội dung, nâng cao hiệu quả, hiệu ứng quảng bá về đất nước, văn hóa, con người và truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Nền tảng thuận lợi để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, nhìn lại 5 năm vừa qua, những thành tựu trên càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết khi thế giới trải qua những biến động to lớn, phức tạp chưa từng có. Công tác đối ngoại đã đóng góp quan trọng, trở thành một điểm sáng trong những thành tựu chung của cả dân tộc. Không chỉ giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh thế giới rất phức tạp, Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh, tinh thần chủ động thích ứng, khả năng kiến tạo và tận dụng cơ hội để không ngừng nâng cao thế và lực, uy tín quốc tế của đất nước.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số sức mạnh tại Châu Á do Viện Lowy (Australia) công bố (19.10.2020), Việt Nam tăng một bậc từ 13 lên 12. Trong đó, về ảnh hưởng ngoại giao, chúng ta tăng 3 bậc, vươn lên đứng thứ 2 trong Đông Nam Á. Về kinh tế, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN với GDP ở mức hơn 340 tỉ USD Mỹ. Hãng định giá thương hiệu Brand Finance của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm 2020 đã tăng 29% trong năm 2020, hiện đứng ở vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, đối với Việt Nam, cơ đồ, vị thế và uy tín tạo dựng được từ quá trình đổi mới là nền tảng thuận lợi để chúng ta hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, ổn định. Những kinh nghiệm và nội lực tích lũy được từ quá trình hội nhập quốc tế thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy giá trị, tạo động lực cho chúng ta trên con đường phát triển tiếp theo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn