MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việt Nam phát huy quyền lực mềm để thịnh vượng

Song Minh LDO | 10/03/2021 08:41

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam được nâng hạng trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu là do Việt Nam tiếp tục gặt hái những lợi ích từ sự phát triển thành công vào năm 2020 trong bối cảnh thế giới đang đối mặt các thách thức lớn.

Việt Nam tăng 3 bậc trong Chỉ số quyền lực mềm

Theo báo cáo Chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021 do công ty tư vấn Brand Finance mới công bố, Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí 50 của năm 2020 lên bậc 47 trong năm 2021 và đứng thứ 9 trong số các quốc gia Châu Á. Brand Finance đã tiến hành khảo sát 75.000 người, gồm các chuyên gia, người dân của hơn 100 nước để đánh giá về quyền lực mềm của 105 quốc gia trên thế giới.

Theo quan điểm của các tác giả, “quyền lực mềm” là khả năng gây ảnh hưởng để khiến người khác trên trường quốc tế (các quốc gia, tập đoàn, xã hội...) làm theo những gì mình muốn, nhưng không cưỡng bức, ép buộc. Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ 5 tiêu chí: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; ảnh hưởng tổng thể của quốc gia; danh tiếng tổng thể của quốc gia; hiệu suất trên 7 trụ cột của “quyền lực mềm” (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người và giá trị). Năm nay, một chỉ số khác đã được bổ sung là khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch COVID-19. Và chỉ số này đóng một vai trò rất lớn trong việc xếp hạng các quốc gia.

Theo ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á - Thái Bình Dương, tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ XXI bao gồm sự hợp tác bền vững giữa các bên liên quan và mối tương quan giữa nhận thức về thương hiệu quốc gia với các thương hiệu trong nước, điều này có thể thực sự nâng cao sức mạnh mềm của quốc gia - cả bên trong và bên ngoài. Ông Dixit - một trong các tác giả của báo cáo Brand Finance - cho rằng, Việt Nam dường như đã kiểm soát tốt mọi khía cạnh, đặc biệt là sự hội nhập và liên kết giữa thương hiệu quốc gia và các thương hiệu trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030, nhằm nâng cao giá trị và thứ hạng của thương hiệu quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu trên 1.000 sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh quốc gia. Các thương hiệu trong nước được quản lý thông qua những nỗ lực và sáng kiến ​​cụ thể do Vietrade thực hiện, trong khuôn khổ chương trình thương hiệu quốc gia “Giá trị Việt”.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới - bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đưa Việt Nam trở thành nhân tố quan trọng trong tất cả các liên kết kinh tế khu vực và nội khối, là động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ông Dixit cho hay, cơ quan quản lý chương trình “Giá trị Việt Nam” (Vietnam Value) của Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thông qua tư vấn phát triển doanh nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin và cập nhật kiến ​​thức xây dựng thương hiệu. Tất cả sáng kiến ​​và nỗ lực này đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng, người tiêu dùng quốc tế và khách hàng về Chương trình và các sản phẩm Vietnam Value thông qua các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng tập trung xây dựng và quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường và tính chuyên nghiệp, từ đó góp phần củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nhờ những nỗ lực của chương trình “Giá trị Việt Nam”, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đóng góp tới 17 tỉ USD xuất khẩu của Việt Nam. Ngành công nghiệp may mặc cũng chiếm hơn 22 tỉ USD xuất khẩu của Việt Nam. Những đóng góp kinh tế này hoàn toàn quan trọng đối với tăng trưởng chung, danh tiếng và đóng góp vào quyền lực mềm của Việt Nam - ông Dixit kết luận.

Quyền lực mềm theo kiểu Việt Nam

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Natalya Shafinskaya, Trợ lý Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA) trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, người đã có 10 năm công tác ở Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, cho biết: Đối với Việt Nam, quyền lực mềm là cơ hội để vận động, sử dụng tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu, mà người Việt Nam trở nên vượt trội trong lĩnh vực này.

Theo bà Shafinskaya, tăng trưởng kinh tế và sự ổn định chính trị giúp nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam và thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế như một quốc gia có khả năng đẩy lùi các mối đe dọa nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng đang khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân quảng bá thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp và công nghệ Việt Nam.

Bà Shafinskaya lưu ý, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam góp phần thúc đẩy sự thành công của Việt Nam. Ngoài ra, một trong những “vũ khí” chính của sức mạnh mềm là tiềm năng du lịch của Việt Nam. Hàng triệu du khách nước ngoài, trong đó có hàng trăm nghìn người Nga, đến với Việt Nam và thấy được một đất nước tuyệt vời, hiện đại, đang phát triển năng động.

"Tôi cho rằng, để phát huy quyền lực mềm, Việt Nam cần phải tận dụng tích cực hơn nữa nền văn hoá đặc sắc, lâu đời của mình, như tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội văn hóa, tổ chức chiếu, giới thiệu phim Việt Nam ở nước ngoài. Một công cụ quan trọng của quyền lực mềm là đông đảo cộng đồng người Việt ở nước ngoài có quan hệ chặt chẽ với quê hương và có thể thúc đẩy thành công lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài” - bà Shafinskaya nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn