MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng tiêu dùng Thái Lan được ưa chuộng ở Việt Nam. Ảnh: Reuters

Việt Nam - Thái Lan: Cùng hợp tác, cùng lớn mạnh

VÂN ANH LDO | 17/08/2017 11:00

Nhân chuyến thăm Thái Lan từ ngày 17 - 19.8 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tờ Bangkok Post đăng bài bình luận với nhan đề: “Thái Lan và Việt Nam: Cùng nhau lớn mạnh”. Bài báo cho rằng, “Thái Lan và Việt Nam được xem là động cơ turbo kép, có thể nâng đỡ cả nền kinh tế khu vực ASEAN, tạo bình đẳng xã hội và sự ổn định ở tiểu vùng Mê Kông”.

Đối tác chiến lược

Trong ASEAN, Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Thái Lan. Ngay từ xa xưa, có những thời điểm hai nước đã hợp tác cùng nhau đối phó với những mối đe doạ từ bên ngoài. Đầu những năm 1940, khi Việt Nam kháng chiến giành độc lập, Thái Lan đã hỗ trợ nhà lãnh đạo cách mạng Nguyễn Ái Quốc, người được gọi với cái tên thân mật Bác Hồ, chiến đấu chống chính quyền thực dân Pháp. Ngôi nhà tại Ban Na Choke, tỉnh Nakhon Phanom, nơi Bác Hồ từng ở trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình từ năm 1928-1929 giờ đã trở thành địa danh thu hút nhiều khách tham quan.

Ngày nay, tình hữu nghị Việt-Thái càng trở nên sâu đậm, được ổn định và tăng cường, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995. Cả hai bên đều thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, tận dụng thị trường tiêu dùng lớn mạnh và giàu có tài nguyên của nhau. Điều quan trọng nhất là sự nhiệt tình của Việt Nam trong việc thúc đẩy các chính sách kinh tế theo định hướng thị trường.

Trong hai thập kỷ qua, hai nước đã điều chỉnh các hoạt động và chương trình phát triển quốc gia của mình. Việt Nam nhanh chóng mở rộng quan hệ thương mại nước ngoài, nổi lên là nước có nhiều kết nối thế giới nhất trong khu vực, với 17 hiệp định thương mại tự do. Việt Nam là một trong bốn nước ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trên thực tế, chính sách thương mại hấp dẫn của Việt Nam đã thúc đẩy Thái Lan tạo dựng những mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn và tiến tới một nền kinh tế số hoá. Các nhà đầu tư Thái Lan tận dụng sự ổn định về chính trị và môi trường đầu tư mới của Việt Nam, kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới từ đầu những năm 1980.

Rõ ràng, sự phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan cũng dẫn đến những tương tác nhiều hơn giữa người dân và các tổ chức hai bên. Điều này đúng ở những khu đầu tư và những khu công nghiệp trọng điểm, chủ yếu ở miền Nam Việt Nam, nơi các nhà đầu tư Thái Lan đổ vào phần lớn vốn. Các nhà đầu tư Thái Lan phải đáp ứng được nhu cầu và điều kiện của địa phương. Việc thực hiện hiệu quả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tuân thủ luật pháp sẽ trở thành điểm sáng để thúc đẩy quan hệ kinh tế lành mạnh giữa hai nước.

Quan hệ Việt-Thái có lợi cho Đông Nam Á

Các vấn đề về luật pháp và quản lý cũng được hai nước hợp tác trong phạm vi quốc tế, nhất là trong bối cảnh hợp tác hàng hải mới giữa Thái Lan và Việt Nam, bao gồm các khía cạnh về an ninh và kinh tế. Với đường bờ biển dài, hai bên đang có kế hoạch hợp tác với Campuchia trong lĩnh vực vận tải biển. Việt Nam và Thái Lan cũng đang xem xét hợp tác phòng, chống cướp biển và chống buôn người trên biển. Hợp tác an ninh mạng cũng nằm trong kế hoạch.

Quan hệ song phương Việt - Thái đang hướng đến một thời kỳ mới, với các yếu tố kinh tế và chiến lược mạnh mẽ hơn. Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến Bangkok trong chuyến thăm 3 ngày, từ ngày 17-19.8, Thái Lan đã sẵn sàng chào đón nhà lãnh đạo Việt Nam hơn bao giờ hết. Hai nước nhận ra rằng, hợp tác với nhau, cả hai sẽ cùng mạnh hơn. Tại thời điểm này, như một quan chức phụ trách chính sách đối ngoại Thái Lan nhận định, quan hệ Việt Nam - Thái Lan không còn bất kỳ mối đe doạ nào có thể làm gián đoạn hoặc làm chậm lại hợp tác. Theo quan chức này, trong thời gian tới, quan hệ Việt - Thái sẽ có tác động đến sự phát triển tổng thể ở lục địa Đông Nam Á, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến các khuôn khổ kinh tế khác nhau.

Cùng là thành viên của Cộng đồng ASEAN và các tổ chức khu vực khác, Thái Lan và Việt Nam được xem là động cơ turbo kép, có thể nâng lên cả nền kinh tế khu vực, tạo bình đẳng xã hội và sự ổn định ở tiểu vùng Mê Kông. Mỗi quốc gia có những hành lang kinh tế riêng kết nối với Myanmar, Lào và Campuchia. Cả hai cần điều chỉnh kế hoạch kinh tế rộng lớn của mình để tăng tính tương đồng, nhằm đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả. Với những quyền riêng của mình, Thái Lan và Việt Nam là những người “thay đổi cuộc chơi”.

Chừng nào mối quan hệ Việt Nam - Thái Lan còn ổn định, thì hoà bình và thịnh vượng sẽ chiếm ưu thế ở lục địa Đông Nam Á.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn