MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biện lâm thời Na Uy tại Việt Nam Jan Wilhelm Grythe. Ảnh: Tạ Quang.

Việt Nam thăng hạng môi trường kinh doanh, hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế

Hải Anh LDO | 15/02/2021 11:00
Đại biện lâm thời Na Uy tại Việt Nam Jan Wilhelm Grythe chia sẻ, sau 2 năm ở Việt Nam, điều ông học được là cần phải làm việc chăm chỉ để thành công và quan trọng hơn là cần kiên trì và bền bỉ.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác ở Việt Nam

Chia sẻ với Lao Động, Đại biện lâm thời Na Uy tại Việt Nam Jan Wilhelm Grythe tiết lộ, nhiều doanh nghiệp và công ty có uy tín của Na Uy quan tâm nhiều hơn tới Việt Nam và đã sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong nước ở nhiều lĩnh vực như: Nuôi trồng thủy sản bền vững, năng lượng tái tạo và LNG, và kinh tế tuần hoàn.

"Trong những lĩnh vực này, Na Uy không chỉ có công nghệ và thiết bị hiện đại, mà còn có nhiều câu chuyện thành công và những kinh nghiệm thực tế có thể chia sẻ để giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu hoài bão của mình là phát triển kinh tế xanh hơn, bền vững hơn" - ông Jan Wilhelm Grythe cho biết.

Đại biện lâm thời Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, nền tảng cho mối quan hệ của song phương Na Uy - Việt Nam còn là cam kết chung về một xã hội quốc tế công bằng, bình đẳng và dựa trên luật lệ, trên cơ sở hệ thống đa phương với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm. Na Uy là nước đóng góp tài chính lớn cho nhiều tổ chức và thể chế đa phương, do đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể hưởng lợi thông qua các kênh này.

Ghi nhận sự phát triển tích cực của quan hệ thương mại Na Uy và Việt Nam qua các năm, với thương mại giữa hai nước tăng lên 8.291 triệu NOK (947.159 USD) vào năm 2019, Đại diện Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam thông tin: Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy ghi nhận kim ngạch cao trong năm 2019, như thiết bị điện tử/đồ gia dụng với gần 1,875 triệu NOK (214.229 USD), và giày dép với 1,337 triệu NOK (152.759 USD), cùng chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy.

Trong số các mặt hàng nhập khẩu trị giá 1,136 triệu NOK (129.763 USD) từ Na Uy, Việt Nam đã chi 1,136 triệu NOK cho các sản phẩm thủy sản bao gồm cá, động vật có vỏ và nhuyễn thể.

"Cho dù có sự tăng trưởng này, tôi tin rằng tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư giữa hai nước vẫn chưa được khai mở hết mức. Tôi chắc chắn rằng đẩy mạnh thương mại là mục tiêu của cả hai nước" - ông nói.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam

Nhận định về nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, Đại biện lâm thời Jan Wilhelm Grythe cho biết: "Theo quan sát của tôi, Chính phủ Việt Nam đã làm tốt để cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư quốc tế".

Ông chỉ ra, Việt Nam tăng 20 bậc, từ vị trí thứ 90 vào năm 2015 lên vị trí thứ 70 trong năm 2020 trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh (Ease of Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB).

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi cởi mở hơn trong đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp và để hiểu hơn về vai trò của các doanh nghiệp cũng như gắn kết họ nhiều hơn trong quá trình xây dựng các chính sách về thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế. Nhiều thay đổi tích cực đã được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam. Hàng nghìn thủ tục hành chính đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa" - Đại biện lâm thời Na Uy nói.

Đại biện lâm thời Na Uy tại Việt Nam cũng lưu ý, hiện tại, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều cải thiện nhất trong các lĩnh vực: Giảm chi phí khởi sự kinh doanh; Tiếp cận thông tin và thông báo trực tuyến; Nâng cấp hạ tầng thông tin để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế...

"Tôi cho rằng, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp nước ngoài nhờ các yếu tố chính gồm: Chi phí khởi sự kinh doanh không cao, các cơ chế khuyến khích đầu tư nước ngoài và sự cởi mở của chính phủ đối với nền kinh tế toàn cầu, vị trí chiến lược cùng khả năng tiếp cận trực tiếp với một số tuyến đường vận chuyển trọng điểm của thế giới, tăng trưởng GDP ổn định và chi phí lao động cạnh tranh" - nhà ngoại giao Na Uy chỉ ra.

Nhận định về hoạt động đầu tư từ Na Uy sang Việt Nam trong thời gian tới, ông bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ thương mại Na Uy-Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

"Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ, cách chúng ta sống và cách chúng ta làm việc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho chúng ta chuẩn bị kỹ càng hơn kế hoạch công việc dài hạn và bền vững.

Điều tôi học được ở Việt Nam sau hai năm là chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ để thành công và quan trọng hơn, chúng ta phải kiên trì và bền bỉ" - ông Jan Wilhelm Grythe chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn