MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Decapod iridescent virus 1 (DIV1) gây hại cho tôm xuất hiện trở lại ở Quảng Đông, khiến nông dân nuôi tôm điêu đứng. Ảnh: Shutterstock

Virus lạ DIV1 ở tôm Trung Quốc nguy hiểm cỡ nào mà nông dân lo sợ?

Ngọc Vân LDO | 21/05/2020 11:16
Loại virus gây hại cho tôm ở Trung Quốc kể từ năm 2014 đang xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông - trung tâm nuôi trồng thủy sản quan trọng ở nước này.

Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) cho hay virus có tên Decapod iridescent 1 virus (DIV1) đã được phát hiện một lần nữa ở một số trang trại nuôi tôm ở tỉnh Quảng Đông, dọc theo đồng bằng sông Châu Giang, từ tháng 2.2020. Theo tờ báo, khoảng 1/4 hoạt động nuôi tôm trong tỉnh đã bị nhiễm virus trong đợt bùng phát lần này.

Lần đầu tiên được xác định vào năm 2014 ở tôm càng xanh và tôm càng đỏ ở Trung Quốc, DIV1 đã gây thiệt hại trên quy mô lớn tới cổ phiếu của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc - Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu George Chamberlain cho biết. Ông đồng thời cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch mới có thể sẽ gây thiệt hại tương tự với tốc độ gia tăng nhanh chóng.

Chamberlain trích dẫn dữ liệu xét nghiệm gần đây của "một công ty lớn ở Trung Quốc", đã phát hiện ra tỷ lệ 17% nhiễm DIV1 trong 209 mẫu lấy từ các trang trại vào tháng 2.2020. Trong báo cáo giám sát năm 2018, chính phủ Trung Quốc xác nhận tỷ lệ nhiễm virus là 12% trên 1.255 mẫu được lấy từ 871 trang trại. 

Mặc dù xét nghiệm năm 2020 vẫn còn hạn chế, và vẫn chưa có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận chắc chắn, nhưng số liệu sơ bộ có sẵn cho thấy tỷ lệ tôm nhiễm DIV1 ở phía nam Trung Quốc có thể đã tăng từ khoảng 10% vào năm 2018 lên 17% vào năm 2020.

Được đặt tên ban đầu là CQIV (Cherax quadricarinatus iridovirus) hoặc SHIV (Virus Hemocyte Iridescent Virus), DIV1 có thể làm chết tôm trong vài ngày - Wu Jinhong, một  người nuôi tôm ở thị trấn Đại Áo, thành phố Giang Môn, nói với tờ SCMP

"Tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong do virus là khủng khiếp. Chỉ mất hai hoặc ba ngày kể từ khi phát hiện con tôm nhiễm bệnh đầu tiên là toàn bộ tôm trong ao sẽ chết" - ông Jinhong nói.

Tổng giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản Châu Á - Thái Bình Dương (NACA) Huang Jie cho biết loại virus này có thể gây tử vong cao - trên 80% - ở tôm thẻ chân trắng (P. vannamei) và đặc biệt ở tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii). 

Nông dân địa phương ở Trung Quốc nói với tờ SCMP rằng dấu hiệu đầu tiên của tôm nhiễm virus DIV1 là tôm bắt đầu chuyển sang màu đỏ - từ đó, vỏ tôm mềm ra và chúng chìm xuống đáy ao. Virus có vẻ rất dễ lây lan, nông dân nuôi tôm Zhong Qiang nói với tờ SCMP.

"Một khi một ao bị nhiễm virus, nông dân chẳng làm được gì nữa, vì nguy cơ rất cao các ao gần đó cũng bị nhiễm bệnh sau vài ngày" - ông Zhong Qiang nói.

Virus này có ý nghĩa nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất tôm trên khắp Đông Nam Á - Chamberlain cho biết - đặc biệt sau các báo cáo mới nói rằng virus đã được phát hiện trên tôm sú (monodon) ở Ấn Độ Dương - nơi cung cấp tôm giống cho khu vực.

Trước vấn đề này, Huang và nhóm nghiên cứu của ông đã khuyến nghị tôm sú đánh bắt từ Ấn Độ Dương để làm tôm giống phải được xét nghiệm PCR trước khi sử dụng trong trại giống.

Sự gia tăng tỷ lệ mắc DIV1 cũng đã được báo cáo ở Việt Nam, tờ SCMP dẫn lời tiến sĩ Trần Hữu Lộc, giám đốc ShrimpVet - "bệnh viện" trị bệnh cho tôm - nói. Tiến sĩ Lộc cho biết virus này đã được phát hiện ở giun nhập khẩu từ Trung Quốc, được sử dụng để nuôi tôm.

"Chúng tôi đã chứng kiến ​​ngày càng nhiều bệnh DIV1 gây chết tôm ở Việt Nam. Dường như mầm bệnh đã trở nên ổn định trong môi trường. Thông thường, 1 đến 2% tôm chết mỗi ngày, dẫn đến tỷ lệ sống sót khá thấp khi thu hoạch" - tiến sĩ Lộc nói.

Mặc dù virus DIV1 làm chết tôm, nhưng nó chưa được biết gây hại cho người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn