MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Logo tưởng nhớ các nạn nhân trên chuyến bay MH370. Ảnh: Global Times

Vụ máy bay MH370 mất tích có diễn biến mới

Ngọc Vân LDO | 19/11/2023 12:24

Một tòa án ở Trung Quốc sẽ sớm mở phiên điều trần vụ kiện về chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích năm 2014.

Với việc bị cáo là hãng hàng không Malaysia Airlines, nhà sản xuất máy bay hay công ty bảo hiểm, thân nhân của những người mất tích trên chuyến bay bí ẩn MH370 có thể được bồi thường mặc dù đó không phải là điều họ mong muốn nhất, theo Hoàn cầu Thời báo.

Jiang Hui - đại diện của thân nhân những người bị nạn - cho biết gần 10 năm sau vụ mất tích máy bay MH370, nhiều thành viên gia đình ở Trung Quốc, trong đó có ông, đã nhận được thông báo chính thức đầu tiên của tòa án.

Phiên điều trần để giải quyết vụ kiện giữa các thành viên gia đình và một số công ty bao gồm Malaysia Airlines, Boeing và các công ty khác, sẽ được tổ chức từ ngày 27.11 đến ngày 6.12 tại Tòa án Nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh, theo tờ Southern Metropolis Daily.

Jiang cho biết lần này, khoảng 40 thành viên gia đình sẽ được tòa án xét xử vụ việc.

“Yêu cầu chính của chúng tôi trước hết là bị cáo phải tiếp tục hỗ trợ tâm lý cho gia đình những người mất tích trên chuyến bay đó càng sớm càng tốt và khôi phục cơ quan liên lạc với các gia đình. Thứ hai, theo quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trong Công ước Montreal, ưu tiên bồi thường cho các thành viên trong gia đình” - Jiang nói và bày tỏ hy vọng sau phiên tòa, các thành viên trong gia đình sẽ nhận được sự hỗ trợ mà họ xứng đáng được hưởng.

Ngoài ra, Jiang hy vọng rằng trong phán quyết cuối cùng, thủ phạm và những người chịu trách nhiệm sẽ phải xin lỗi, lập quỹ và tìm kiếm máy bay MH370 cùng hành khách mất tích.

Zhang Qihuai, luật sư chuyên về các vụ án hàng không, sẽ tiếp tục đại diện cho gia đình các hành khách mất tích ở Trung Quốc.

Một phụ nữ tham dự sự kiện tưởng niệm chuyến bay MH370 xấu số ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 6.3.2016. Ảnh: Xinhua

Dù phiên tòa lần này về cùng một vụ việc nhưng mỗi hành khách là một vụ việc riêng lẻ nên sẽ có những phiên xét xử riêng biệt. Ngoài ra, yêu cầu lớn nhất của các thành viên trong gia đình vẫn là tìm kiếm hành khách. Đối với họ, tiền không phải là điều quan trọng nhất - Tân Hoa Xã dẫn lời Zhang nói.

Theo luật sư Zhang, gia đình các nạn nhân khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình vì vụ việc liên quan đến nhiều yếu tố quốc tế và tình hình tương đối phức tạp. Hơn nữa, đã gần 10 năm kể từ khi chuyến bay biến mất. Cho đến nay, vẫn chưa rõ ai chịu trách nhiệm, tại sao máy bay mất liên lạc và địa điểm máy bay gặp nạn.

Một mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 được tìm thấy ở Madagasca đã trở thành bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy một trong những phi công trên chuyến bay MH370 đã cố tình phá hủy máy bay, Sky News đưa tin vào năm ngoái.

Năm 2018, báo cáo chi tiết về vụ mất tích MH370 do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế Malaysia công bố đã không xác định được nguyên nhân đằng sau vụ tai nạn và để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp do thiếu bằng chứng.

Chuyến bay mang số hiệu MH370 chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn khởi hành từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 8.3.2014 và biến mất ngay sau khi cất cánh. Hơn 150 hành khách trên máy bay là công dân Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, nhiều gia đình hành khách Trung Quốc mất tích vẫn không từ bỏ nỗ lực đẩy mạnh tìm kiếm và đòi công lý thông qua các kênh pháp lý.

Năm 2016, 36 vụ kiện đã được mang ra Tòa án Vận tải Đường sắt Bắc Kinh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn