MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khách hàng đứng bên ngoài trụ sở ngân hàng Silicon Valley ở Santa Clara, California, Mỹ, ngày 13.3.2023. Ảnh: Xinhua

Vụ phá sản ngân hàng Mỹ: Trong cái rủi có cái may với Nga

Song Minh LDO | 15/03/2023 07:36
Điện Kremlin giải thích lý do Nga "miễn nhiễm" với vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ - ngân hàng Silicon Valley (SVB).

RT dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với báo giới hôm 14.3, lĩnh vực tài chính của Nga thực tế miễn nhiễm với những tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ, phần lớn nhờ vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Khi được hỏi về tác động lan tỏa từ sự sụp đổ của các tổ chức cho vay Mỹ dẫn đến tình trạng chứng khoán toàn cầu sụt giảm, ông Peskov cho biết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng Mỹ không thể ảnh hưởng đến Nga theo bất kỳ cách nào.

Ông nói: “Tất nhiên, hệ thống ngân hàng của chúng tôi có một số mối liên hệ nhất định với một số phân khúc của hệ thống tài chính quốc tế, nhưng phần lớn đã bị trừng phạt một cách bất hợp pháp".

Ông Peskov cho biết thêm, trong cái rủi có cái may, nhờ bị trừng phạt mà Nga "ở một mức độ nhất định đã miễn nhiễm với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khắp nước Mỹ".

Lĩnh vực tài chính của Nga trở thành đối tượng bị Mỹ, EU và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraina.

Năm ngoái, 10 ngân hàng chủ chốt của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT - hệ thống hỗ trợ các giao dịch ngân hàng trên toàn cầu. 9 trong số 10 ngân hàng này cũng phải chịu các biện pháp trừng phạt ngăn chặn, cấm các tổ chức tài chính quốc tế hợp tác với họ. Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng Sberbank lớn nhất của Nga, cấm ngân hàng này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.

Nga có hệ thống thanh toán tài chính riêng - SPFS - có thể đóng vai trò thay thế cho SWIFT tại thị trường nội địa. Mặc dù mức độ bao phủ của SPFS vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với SWIFT - với 11.000 tổ chức tài chính trên toàn cầu - nhưng mức độ lan rộng của SPFS đã tăng tốc trong những tháng gần đây.

Trong khi đó, lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đã bị rung chuyển bởi một loạt vụ phá sản bắt đầu vào tuần trước và tiếp tục làm náo loạn thị trường khu vực và toàn cầu.

Ngân hàng Silvergate cho vay tiền điện tử có trụ sở tại California là ngân hàng đầu tiên thông báo phá sản hôm 8.3, sau đó là sự sụp đổ của ngân hàng SVB vào ngày 10.3. Thất bại của SVB là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là vụ lớn thứ hai trong lịch sử ngân hàng Mỹ. Ngân hàng Signature là ngân hàng mới nhất bị đóng cửa vào cuối tuần qua. 

Sự sụp đổ của các ngân hàng đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ, khi cổ phiếu của nhiều ngân hàng khác lao dốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn