MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đoàn xe tải cứu trợ của các tỉnh thành của Lào, đổ về Sanamxay. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Vụ vỡ đập thủy điện ở Lào: Người dân mạnh mẽ trong hoạn nạn

ĐÌNH VĂN (ATTAPEU, LÀO) LDO | 30/07/2018 22:09
Chính phủ Lào phát đi thông điệp “Tất cả các tỉnh của Lào phải hướng về Sanamxay”, chưa kể trước đó các nước đã cử người cùng phương tiện cứu hộ hiện đại qua.

Ngày 28-29.7, PV Báo Lao Động chứng kiến hàng đoàn xe bán tải chở nhu yếu phẩm (thức ăn, áo quần, chăn màn...) dài hàng chục cây số. Điểm đặc biệt, tại các điểm tạm cư, hàng ngàn người chen chúc, thế nhưng tuyệt nhiên không một lời khóc lóc, rên rỉ. Một tính cách rất người Lào: Mạnh mẽ.

Người Lào mạnh mẽ

Thảm họa vỡ đập Sepien - Senamnoi cuốn phăng toàn bộ nhà cửa, tài sản của hàng ngàn người và cướp đi rất nhiều nhân mạng huyện Sanamxay (chưa kể mất tích).

Tại các điểm mà huyện Sanamxay (Attapeu) dựng vội để người dân tạm cư tỵ nạn, điều đặc biệt mà PV ghi nhận là không có bất kỳ một người nào khóc lóc, than thân trách phận vì mất người thân, mất nhà, mất tài sản... Họ mệt mỏi, bàng hoàng, có; đau buồn, có. Nhưng tất cả giấu giữ trong lòng. Họ xếp hàng chia nhau khẩu phần ăn, chia ca khám bệnh. Anh Sy Vi Lay (bản May) bộc bạch: “Chúng tôi phải vực dậy tinh thần để tái thiết cuộc sống”.

Hàng hóa viện trợ của quốc tế đưa về, người dân lánh nạn phân phát rất đều, ưu tiên người lớn, trẻ nhỏ, từ đôi dép, đến cuộn giấy vệ sinh... Không xô đẩy, chen lấn, giành phần. Họ lạc quan đến kinh ngạc. Họ cần nhanh chóng tái thiết cuộc sống, xây nhà, có chỗ ở mới trên cao. Tuy vậy, chính quyền huyện Sanamxay nói chưa thể, vì công cuộc tìm kiếm người mất tích vẫn còn dang dở, chưa hoàn thành. Thứ nữa, đường vào 4 bản đặc biệt ngập nặng là May, Hỉ Lạt, Thạ Hỉn, Pha Seng Chăn còn ngập trong đống bùn đất gần 1 mét. Hiện tại, đến nay, ngày 29.7, chưa một ai vào được con đập Sepien - Senamnoi, để thấy được cảnh tượng bị vỡ như thế nào.

Ngày 28-29.7, đường bộ từ tỉnh Attapeu xuống Sanamxay thông suốt, dù ngập ngụa bùn non, tuy thế các đoàn xe ôtô bán tải, và cả xe máy phân khối lớn đưa nhu yếu phẩm xuống Sanamxay vẫn lên đường. Một đoàn dài hàng chục cây số nêm chật xe tải và hàng hóa cột chặt sau thùng. Xe vào đến, dỡ hàng xuống là ra ngay, để đoàn xe khác vào. Vì quá tải xe ôtô trên đường chính, đoàn xe khác phải đi đường tránh, đường phụ. Cả một con đường xe đúng nghĩa. Anh Khăm Đít - cán bộ tỉnh Attapeu - nói: “Người Lào rất mạnh mẽ và bao la. Ở đâu gặp nạn là ở đó có sự chung tay của toàn quốc. Người lãnh đạo của Chính phủ Lào - cũng đã thông báo - đến tất cả các tỉnh trong nước, rằng: “Ngay lúc này, chúng ta cần hướng về Sanamxay và Sanamxay cần chúng ta””. Anh nói, rồi chỉ tay, đoàn này của tỉnh Savannakhet, Vientiane, Salavan, đoàn kia là tỉnh Hua Phan, tỉnh Se kong...

Chị Nang Chăn mất cùng lúc 2 người con cùng người chồng, nhưng chị không gục ngã. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Tái thiết cuộc sống ngàn người bị nạn thế nào?

Chị Đ.T.D (cư trú Sanamxay) ngậm ngùi, khi hay tin ngàn căn nhà các bản người Lào bị ngập, đổ nát, tài sản mất trắng. “Biết bao giờ họ mới khôi phục lại được để làm ăn”, chị ưu tư. Thấy từng đoàn người dân chạy lũ lên vùng không ngập, chị cùng với nhiều người Việt khác, mua đồ ăn khô, nước sạch, bánh kẹo phân phát. Người có áo cho áo, người có chăn màn thì khoác vội lên nhóm người chạy lũ đang run lẩy bẩy vì bị ngâm nước nhiều ngày. Chị Đ.T H - chủ một tiệm giày dép ở Sanamxay - đã chuyển nhiều thùng giày dép đến nơi người dân Lào tỵ nạn.

Không chỉ người dân Việt Nam tại chỗ mà Chính phủ, Quân y và các tỉnh Việt Nam kết nghĩa với Attapeu như Gia Lai, Kon Tum... đều cử người và tìm cách giúp đỡ người dân Sanamxay. Ngày 25.7, Bầu Đức HAGL đã thành lập đội cứu nạn cùng y-bác sĩ và thuốc men giúp đỡ Sanamxay, ngày 26.7, ông có mặt thăm hỏi, động viên chính quyền cùng người dân tại các điểm tạm cư.

Ngày 28.7, Tổng Thư ký ASEAN - ông Lim Jock Hoi - đã có mặt tại điểm tạm cư UBND huyện Sanamxay, để thăm hỏi, hỗ trợ người bị nạn sớm vượt qua thảm họa. Không chỉ vậy, các nước như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc... đều đã có mặt trước đó nhiều ngày, tham gia ngay vào cuộc cuộc tìm kiếm người mất tích và tiếp tế lương thực cho người bị nạn.

Vấn đề bức thiết lúc này là kế hoạch tái thiết cuộc sống, lo sinh kế tương lai như thế nào cho hàng ngàn người dân bị nạn? Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 29.7, Phó Tỉnh trưởng Attapeu - ông Phonsamay Mienglavanh - nói: “Bây giờ chưa có, vì còn quá nhiều việc trước mắt. Nhưng chắc chắn là sau này sẽ có nhiều cuộc họp để bàn về vấn đề này. Tôi nghĩ trước mắt của việc tái thiết này là phải đi khảo sát thực tiễn, đánh giá tình trạng nhà của dân bị lũ tàn phá, cuốn mất, tính toán xem kinh phí của mình liệu có làm lại nhà cho dân đủ hay không? Và nếu không đủ thì phải có giải pháp như thế nào? Tôi tìm hiểu thì biết nhiều người dân có tâm lý không muốn trở về nơi ở cũ vì họ sợ, thế nên cũng cần phải bàn, là để họ ở đó hay đưa đi nơi khác…”.

Chính phủ Lào đang căng sức lo cuộc sống của 7.424 người dân bị ảnh hưởng cũng như xây dựng lại hơn 1.300 căn nhà để ổn định cuộc sống cho họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn