MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích từ năm 2014. Ảnh: AFP

Vực dậy từ thảm họa kép MH370 và MH17

Thanh Hà LDO | 16/07/2024 10:30

Thảm họa kép MH370 mất tích và MH17 bị bắn rơi xảy ra cách đây 10 năm đã giáng đòn mạnh vào hãng hàng không Malaysia Airlines.

Chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh mất tích ở Ấn Độ Dương ngày 8.3.2014 với 239 người trên máy bay. Cuộc tìm kiếm MH370 tiêu tốn hàng triệu USD, là cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử hàng không. Tuy nhiên, tới nay, chiếc máy bay mất tích vẫn chưa được tìm thấy.

Trong lúc Malaysia Airlines vẫn đang quay cuồng với thảm kịch MH370, ngày 17.7 cùng năm, máy bay MH17 bị bắn rơi trên vùng đất có giao tranh ở Ukraina. Tất cả 283 hành khách và 15 phi hành đoàn MH17 của Malaysia Airlines đều thiệt mạng. Có 160 máy bay bay qua vùng chiến sự ngày hôm đó nhưng MH17 bị bắn trúng.

BBC chỉ ra, việc 1 hãng hàng không mất 2 máy bay chở khách trong vòng 5 tháng là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Nhiều người coi thảm họa kép này giống như lời nguyền với hãng hàng không đã hoạt động hơn 70 năm, có đội bay khổng lồ bay khắp thế giới từ trụ sở ở Kuala Lumpur.

Sau thảm kịch MH370 và MH17 năm 2014, hành khách lo lắng và đã chuyển sang các hãng hàng không khác. Thời điểm đó, truyền thông đã đăng tải hình ảnh những chuyến bay gần như trống rỗng của Malaysia Airlines.

Xác máy bay MH17 của Malaysia Airlines. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, năm 2023, Giám đốc điều hành Malaysia Airlines nói rằng, hãng đang trên đà đạt lợi nhuận ròng hàng năm đầu tiên sau một thập kỷ.

Các nhà phân tích nhận định, việc cắt giảm hàng loạt đường bay đã giúp củng cố tài chính của hãng cùng với đó việc tái định vị thương hiệu, nhấn mạnh vào an toàn đã giúp Malaysia Airlines giành lại được khách hàng.

Ngay sau thảm kịch MH17, chính phủ Malaysia đã vào cuộc cứu hãng hàng không quốc gia có hơn 20.000 nhân viên. Một tháng sau khi MH17 bị bắn rơi, quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional vốn sở hữu 69% cổ phần của Malaysia Airlines đã mua lại cổ phần của các cổ đông khác, hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, thành lập công ty mới, tuyên bố công ty cũ phá sản.

Malaysia Airlines được quốc hữu hóa hoàn toàn, bước quan trọng đầu tiên để cứu hãng hàng không này, theo BBC. Theo kế hoạch "Xây dựng lại biểu tượng quốc gia" của chính phủ Malaysia, giá vé máy bay của Malaysia Airlines cũng giảm trong khi đội ngũ kế toán áp dụng các biện pháp can thiệp chặt chẽ vào hoạt động của hãng.

Sau năm 2014, Malaysia Airlines nghiêm túc từ bỏ các đường bay dài, không có lãi đến những nơi như Bắc, Nam Mỹ và Nam Phi, bao gồm cả những chuyến bay đến New York và Stockholm. Cuối cùng Malaysia Airlines đã cắt tất cả chuyến bay thẳng đến các điểm đến ở châu Âu, ngoại trừ London.

Ngày nay, sân bay Heathrow ở London vẫn là điểm dừng chân duy nhất ở châu Âu của Malaysia Airlines. Tuyến đường này đã trở thành tuyến kiếm tiền quan trọng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Trong vài năm gần đây, Malaysia Airlines là hãng hàng không duy nhất khai thác chuyến bay thẳng từ Kuala Lumpur đến London sau khi British Airways hủy đường bay trong đại dịch.

Malaysia Airlines cũng tận dụng thời điểm hàng không toàn cầu tạm dừng trong dịch COVID-19 để cơ cấu lại các khoản nợ, đồng thời vẫn để các máy bay vận hành trong thời gian này. Malaysia Airlines là một trong những hãng vận chuyển chủ chốt khai thác các chuyến bay hồi hương từ châu Âu đến châu Á.

Trong khi các hãng hàng không khác ở châu Á và châu Âu cho máy bay ngừng hoạt động trong thời kỳ đại dịch và chưa sẵn sàng khi nhu cầu phục hồi hậu đại dịch, Malaysia Airlines lại ở vị trí khởi đầu thuận lợi khi biên giới mở cửa trở lại và hãng đã tận dụng tối đa lợi thế này, các nhà phân tích chỉ ra.

Hiện nay, Malaysia Airlines được xem là hãng vận chuyển "hạng trung" tập trung vào châu Đại Dương, châu Á và Vương quốc Anh.

“Từ góc độ giao thông hàng không thì MH370 và những thảm kịch khác chắc chắn không được hành khách nghĩ tới đầu tiên khi tìm mua vé. Họ chú ý nhiều hơn tới giá cả và sự tiện lợi” - chuyên gia theo dõi ngành hàng không Greg Waldron chia sẻ với BBC.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn