MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nước không bị nhiễm COVID-19 cuối cùng trên thế giới chủ yếu ở Thái Bình Dương. Ảnh: SCMP.

Vùng an toàn nhất thế giới có thoát khỏi đòn giáng kinh tế từ COVID-19?

Thanh Hà LDO | 31/07/2020 11:10
Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt với sự tàn phá kinh tế do phong tỏa và cấm di chuyển dù tránh được những hệ quả tồi tệ nhất từ đại dịch COVID-19, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thông tin hôm 30.7. 

Dự báo chung ảm đạm

Dù ghi nhận chưa tới 100 ca COVID-19, 14 nền kinh tế ở Thái Bình Dương được dự báo sẽ sụt giảm trung bình 4,3% trong năm nay do sự sụp đổ của thương mại và du lịch. Sụt giảm tới 2 con số được dự báo có thể xảy ra ở những nước phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch, ADB nêu trong báo cáo theo dõi kinh tế Thái Bình Dương mới nhất, theo SCMP. 

"Dù hầu hết các quốc gia Thái Bình Dương dường như tránh được tác động trực tiếp đến y tế từ COVID-19, đại dịch vẫn nêu bật sự cần thiết phải củng cố hệ thống y tế và bảo vệ xã hội ở tiểu vùng, qua đó giảm bớt các tác động bất lợi của hạn chế đi lại với sinh kế của người dân" - báo cáo nêu rõ. 

Số người trong tình trạng nghèo cùng cực trong khu vực có thể tăng 40% - tăng khoảng 1,2 triệu người - trong ngắn hạn, do thiếu mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ, theo báo cáo của ADB. 

"Trong trung hạn, cộng đồng quốc tế có thể giúp phục hồi bằng cách hợp tác với các nước Thái Bình Dương để thiết lập lại liên kết kinh tế với phần còn lại của thế giới, thông qua các biện pháp hỗ trợ mở cửa trở lại an toàn cho các nền kinh tế và tham gia các bong bóng du lịch" - Ananya Basu - nhà kinh tế trưởng tại bộ phận Thái Bình Dương của ADB cho hay. 

Theo chuyên gia ADB, về dài hạn, các đối tác phát triển cần hỗ trợ các nước Thái Bình Dương tăng cường khả năng hồi phục. Trong đó, các ưu tiên chính là: Cải thiện quản lý kinh tế vĩ mô và xây dựng dự trữ tài chính cho những cú sốc kinh tế trong tương lai cũng như củng cố hệ thống y tế và bảo vệ xã hội.  

Thương mại và du lịch thiệt hại nặng

Các quốc gia Thái Bình Dương phần lớn có thể tránh được đại dịch COVID-19 qua đóng cửa biên giới, với một số nước trong khu vực như Kiribati và Tavalu không có ca COVID-19 nào. Tuy nhiên, lượng khách tới các nước này kể từ tháng 4 đã giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. 

Du lịch là nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia trong khu vực. Từ 40-60% GDP của Quần đảo Cook và Palau đến từ du khách.

Những tác động của đại dịch COVID-19 đến Thái Bình Dương đang được cảm nhận trong lĩnh vực thương mại và du lịch khi  áp dụng kiểm soát biên giới, hạn chế đi lại và giảm các hoạt động trên không, trên biển. 

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Quần đảo Cook, Fiji, Palau và Vanuatu sẽ chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong năm 2020. Trong khi đó, nền kinh tế giàu tài nguyên như Papua New Guinea và Quần đảo Solomon bị ảnh hưởng từ các hạn chế liên quan tới thương mại. 

Phân tích của Ngân hàng Phát triển Châu Á được thực hiện với dữ liệu từ 14 quốc gia: Quần đảo Cook, Fiji, Kiribati, Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru, Niue, Palau, Papua New Guinea, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu và Vanuatu. 

Dù dân cư thưa thớt và biệt lập, các quốc gia ở Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng về ảnh hưởng chiến lược giữa Trung Quốc với các nước đồng minh Mỹ và Australia.

Trung Quốc đã viện trợ hơn 1,6 tỉ USD cho các quốc gia Thái Bình Dương từ năm 2011 đến 2019, theo Viện Lowy có trụ sở tại Sydney. Australia có truyền thống coi Thái Bình Dương là sân sau, đã chi khoảng 7,4 tỉ USD cho khu vực trong cùng giai đoạn này trong khi Mỹ chi khoảng 1,2 tỉ USD. Cả ba quốc gia cũng đổ thêm hàng triệu USD vào khu vực kể từ khi bắt đầu đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn