MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) trò chuyện với Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong chuyến thăm Sydney, Australia, ngày 24.5.2023. Ảnh: AFP

Vùng xa trở thành tâm điểm

Ngạc Ngư LDO | 29/05/2023 09:07

Trong suốt nhiều thập kỷ đã qua, những đảo quốc nhỏ ở vùng Nam Thái Bình Dương nói riêng và cả khu vực này nói chung mờ nhạt bên lề của chính trị thế giới. Vùng xa xôi này trở thành một trong những tâm điểm chính của chính trị thế giới trong thời gian gần đây nhờ hai diễn biến mới.

Thứ nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn luôn nổi bật trong chính trị thế giới bị thay thế bằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Phạm vi khu vực trở nên rộng lớn hơn thì mọi trật tự và cấu trúc quyền lực và ảnh hưởng tồn tại lâu nay bị thay đổi, cục diện quan hệ quốc tế và tập hợp lực lượng ở khu vực cũng thay đổi. Khu vực lớn có không chỉ một mà nhiều trung tâm có giá trị chiến lược to lớn về địa chính trị. Vùng Nam Thái Bình Dương trở nên sáng giá.

Thứ hai là các đối tác bên ngoài tăng cường tiếp cận và gây dựng ảnh hưởng, vai trò, khai thác lợi ích ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Australia trở thành 1 trong 4 thành viên của cái gọi là Bộ Tứ kim cương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ Tứ này tạo thế bốn trụ cột cho mọi cấu trúc và trật tự trên mọi phương diện được định hình ở khu vực.

Giữa các đối tác lớn ở bên ngoài hình thành cuộc ganh đua ảnh hưởng quyết liệt ở khu vực này. Các đảo quốc nhỏ được những đối tác lớn bên ngoài hết sức tranh thủ. Trung Quốc, Mỹ và Australia đều đồng loạt phát hiện lại giá trị chiến lược của các đảo quốc nhỏ. Các đảo quốc nhỏ được họ đặc biệt tranh thủ, lôi kéo về phía mình, gắn kết và ràng buộc bằng nhiều thoả thuận hợp tác về chính trị và kinh tế, đầu tư và viện trợ, nhưng còn cả về an ninh, quân sự và quốc phòng. 

Mới đây nhất là Ấn Độ. Thủ tướng nước này Narendra Modi tới thăm Australia và hội họp với 14 đảo quốc trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Tại Papua New Guinea, ông Modi cùng lãnh đạo của các đảo quốc trong khu vực tiến hành cuộc gặp cấp cao lần thứ 3 của Diễn đàn hợp tác giữa Ấn Độ và các đảo quốc ở Thái Bình Dương (FIPIC).

Vào cùng thời điểm ông Modi tới vùng Nam Thái Bình Dương, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng đến khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự kiến tới thăm Australia và vào dịp này sẽ có cuộc gặp cấp cao của nhóm Bộ Tứ ở Australia. Tuy nhiên, ông Biden phải hoãn chuyến đi Australia vì nguy cơ vỡ nợ của nhà nước Mỹ nếu không kịp thời đạt được thoả thuận giữa chính quyền của ông Biden và phe đảng Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ về nâng mức trần nợ công. 

Vùng xa trở nên sôi động về chính trị và ngoại giao. Các đảo quốc nhỏ ở nơi đây ý thức được rất mau lẹ tầm quan trọng ngày càng tăng của họ về địa chính trị và địa chiến lược trong chiến lược và chính sách của các đối tác bên ngoài khu vực, đặc biệt của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Các đối tác bên ngoài cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích thì các đảo quốc có thêm sự lựa chọn đối tác để hợp tác và đồng minh để dựa cậy, có được cơ hội và tiền đề để chơi con bài đối trọng trong hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

Một số đảo quốc đã quyết định ngả hẳn về phía đối tác bên ngoài này hay thiên lệch hẳn về phía đối tác bên ngoài kia. Cũng có đảo quốc tìm cách gây dựng thế cân bằng giữa các đối tác bên ngoài. Và tất cả đều có thể đặt giá cho các đối tác bên ngoài.

Các đối tác bên ngoài thực thi cách thức khá giống nhau về tranh thủ các đảo quốc nhỏ ở khu vực này. Ai cũng nỗ lực thể hiện là sự lựa chọn đối tác có lợi nhất đối với các đảo quốc. Ai cũng quyến rũ các đảo quốc bằng những chương trình hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, hoạt động đầu tư và trợ giúp tài chính nhằm vào nhu cầu cấp thiết của các đảo quốc. Ai cũng quả quyết coi các đảo quốc là đối tác hợp tác bình đẳng chứ không phân biệt đẳng cấp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn