MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

WHO cập nhật về biện pháp chống biến thể Omicron

Thanh Hà LDO | 03/12/2021 15:35
Việc đóng cửa biên giới một số quốc gia áp dụng có thể "câu giờ" để ứng phó với biến thể Omicron nhưng các biện pháp và kinh nghiệm thu được để ứng phó với biến thể Delta vẫn là nền tảng để chống đại dịch.

Biện pháp "câu giờ"

Một số quốc gia trong khu vực đang ứng phó với tăng số ca mắc và số người chết vì COVID-19 trong khi dịch ở nhiều quốc gia đã giảm, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, Tiến sĩ Takeshi Kasai, chia sẻ với báo giới trong cuộc họp trực tuyến từ Manila, Philippines.

“Kiểm soát biên giới có thể trì hoãn việc virus xâm nhập và câu giờ. Nhưng mọi quốc gia và mọi cộng đồng đều phải chuẩn bị cho những đợt tăng ca nhiễm mới" - ông Kasai cảnh báo. 

Theo AP, giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương chia sẻ thêm: "Tin tích cực trong số này là không có thông tin nào tới thời điểm hiện tại cho thấy chúng ta cần thay đổi hướng ứng phó". 

Vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể SARS-CoV-2 mới Omicron, trong đó có cả việc virus có dễ lây lan hơn không hoặc virus có khiến mọi người bị bệnh nặng hơn và virus có thể né vaccine hay không. 

Ông Kasai cho biết, Omicron được chỉ định là biến thể đáng lo ngại vì số lượng đột biến và vì thông tin ban đầu cho thấy biến thể này dễ lây truyền hơn các biến thể khác của virus. Chuyên gia WHO nhấn mạnh, cần thêm xét nghiệm và quan sát để hiểu hơn về biến thể SARS-CoV-2 mới này. 

Tới nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương - Australia, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc - đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. 

Giám đốc Khẩn cấp WHO khu vực, Tiến sĩ Babatunde Olowokure, lưu ý, con số này có thể tăng thêm khi có thêm nhiều ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu.

Hai quốc gia Đông Nam Á thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO là Singapore và Malaysia cũng đã ghi nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong 24 giờ qua. 

Sự xuất hiện của biến thể Omicron là mối quan ngại đặc biệt với ban tổ chức Olympic mùa đông Bắc Kinh khi sự kiện chỉ vài tuần nữa là khai mạc. Trung Quốc - quốc gia thuộc trách nhiệm của văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương - đã áp dụng chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Những người tham gia Olympic Bắc Kinh dự kiến sống và thi đấu trong bong bóng trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. 

Biện pháp ứng phó với Delta hiệu quả với Omicron

Về những gì các quốc gia nên làm hiện tại, kinh nghiệm của chúng ta trong vài năm qua, đặc biệt là trong việc ứng phó với biến thể Delta, cung cấp hướng dẫn về những gì chúng ta cần làm, cũng như cách ứng phó với những đợt tăng vọt ca nhiễm trong tương lai theo cách bền vững hơn, Tiến sĩ Babatunde Olowokure, chia sẻ từ Manila. 

Những biện pháp này bao gồm bao phủ tiêm chủng đầy đủ, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và các biện pháp khác. Mục tiêu là “đảm bảo chúng ta đang điều trị đúng bệnh nhân, đúng nơi vào đúng thời điểm và do đó đảm bảo rằng các giường ICU luôn sẵn sàng, đặc biệt cho những người cần" - ông nói. 

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai nhấn mạnh, dù xu hướng ứng phó dịch bệnh ở khu vực là tích cực, phần lớn thông qua tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng "chúng ta không được tự mãn". 

Trên toàn cầu, số ca COVID-19 đã tăng trong 7 tuần liên tiếp và số người chết cũng bắt đầu tăng trở lại, phần lớn là do biến thể Delta và việc giảm các biện pháp bảo vệ ở những khu vực khác trên thế giới, ông Kasai lưu ý. 

“Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy nhiều đợt tăng ca nhiễm trong tương lai. Chừng nào lây truyền vẫn tiếp tục, virus có thể tiếp tục đột biến, minh chứng là sự xuất hiện của Omicron. Việc này nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải cảnh giác" - ông nói. 

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đặc biệt cảnh báo về khả năng tăng ca COVID-19 do tụ họp và di chuyển nhiều hơn trong kỳ nghỉ lễ. Ngoài ra, cùng với COVID-19, mùa đông ở phía bắc có thể sẽ kéo theo các bệnh đường hô hấp khác như cúm. 

"Rõ ràng là đại dịch này còn lâu mới kết thúc và tôi biết rằng mọi người đang lo lắng về Omicron. Nhưng thông điệp của tôi hôm nay là chúng ta có thể áp dụng cách thức ứng phó virus này để ứng phó tốt hơn với các đợt tăng ca nhiễm trong tương lai và giảm thiểu tác động của virus tới sức khỏe, xã hội và kinh tế" - ông nói. 

Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO bao gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ từ Palau đến Mông Cổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn