MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

WHO: Châu Âu hiện là "tâm chấn" của đại dịch COVID-19

Bảo Châu LDO | 14/03/2020 08:23

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 13.3 cho biết Châu Âu hiện là "tâm chấn" của đại dịch COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm.

Tờ CNA dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Châu Âu hiện báo cáo nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong hơn so với phần còn lại của thế giới gộp lại, tính bên ngoài Trung Quốc… Châu Âu giờ đã trở thành tâm điểm của đại dịch".

"Các trường hợp nhiễm bệnh đang được báo cáo mỗi ngày đang nhiều hơn so với báo cáo ở Trung Quốc - nơi dịch bệnh đã qua đỉnh điểm", ông Tedros nói và đề cập đến số liệu trên toàn cầu.

Theo thống kê của hãng tin AFP, virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12.2019, hiện đã giết chết hơn 5.000 người, với số ca mắc bệnh trên toàn thế giới lên tới 134.000 người.

Số người chết vượt 5.000 là "một dấu mốc bi thảm", ông Tedros nói.

Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị y tế khẩn cấp của WHO, đồng thời cảnh báo rằng: "Chúng tôi không thể nói khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh trên toàn cầu... Chúng tôi hy vọng rằng nó xảy ra sớm tốt hơn là muộn".

Các nhận xét trên được đưa ra sau khi các quốc gia ở Châu Âu và các khu vực khác đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bao gồm đóng cửa các trường học và hạn chế các sự kiện công cộng.

Tedros nói rằng trong khi các biện pháp tạo ra “khoảng cách xã hội” có thể giúp ích, các quốc gia cũng cần thực hiện "phương pháp tiếp cận toàn diện".

"Không thực hiện riêng lẻ từng hoạt động: Xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân gây bệnh, kiểm dịch và “tạo khoảng cách xã hội”. Hãy kết hợp tất cả cùng lúc", ông Tedros nói.

"Không thể chống lại virus nếu không biết nó ở đâu", Tedros nói, kêu gọi các nước "tìm, cách ly, xét nghiệm và xử lý mọi trường hợp, để phá vỡ chuỗi lây truyền", và "bất kỳ quốc gia nào nhìn vào kinh nghiệm của các quốc gia khác có dịch bệnh bùng phát mạnh và nghĩ rằng 'điều đó sẽ không xảy ra với chúng tôi' là đang phạm phải một sai lầm chết người".

Michael Ryan, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh rằng các biện pháp như cấm các cuộc tụ họp nơi công cộng "không phải là thuốc chữa bách bệnh".

Ông Michael Ryan cho biết: "Các biện pháp tạo khoảng cách xã hội sẽ không ngăn chặn được đại dịch này” mặc dù có thể có một số "tác động tích cực". Điều quan trọng nhất, là phải hành động. "Lỗi lớn nhất là không hành động. Lỗi lớn nhất là bị tê liệt vì nỗi sợ thất bại", ông nói.

WHO cũng tuyên bố thành lập một quỹ mới, nhằm thu hút sự đóng góp từ các công ty, tổ chức và cá nhân giúp chống lại đại dịch.

Quỹ Hợp tác Ứng phó COVID-19, do Quỹ Liên Hợp Quốc tại Mỹ và Quỹ Từ thiện Thụy Sĩ điều hành, đã được khởi động vào 13.3 kèm theo một loạt các khoản quyên góp hàng triệu USD từ Facebook, Google và các tổ chức khác.

"Chúng tôi cần tất cả cùng chung tay… Vẫn chưa quá muộn, vì vậy dù bạn sống ở đâu, chúng tôi cần sự giúp đỡ của bạn để chống lại virus này cho tất cả các cộng đồng của chúng ta", Elizabeth Cousens, người đứng đầu Quỹ Liên Hợp Quốc nói trước các phóng viên.

WHO ước tính ban đầu, những nỗ lực để kiềm chế virus sẽ tiêu tốn 750 triệu USD chỉ tính riêng trong ba tháng đầu tiên và chi phí thực tế tới cuối năm nay có thể lên tới "ít nhất gấp 10 lần".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn