MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

WHO dự báo thời điểm COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu

Khánh Minh LDO | 11/11/2021 06:52
Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 sẽ không kết thúc cho đến khi các quốc gia “học cách sống chung với virus”, đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải bởi lây nhiễm và tử vong.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ báo La Vanguardia của Tây Ban Nha, Giám đốc khu vực Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới Hans Kluge cảnh báo rằng WHO không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch trong khi vẫn có nguy cơ hệ thống y tế không thể đối phó với số ca bệnh tăng đột biến.

“Chúng ta phải học cách sống chung với virus. Ngay khi hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong do COVID-19, tức là nó có thể cung cấp các dịch vụ mà nó đã cung cấp trước đây, thì đại dịch có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu” - ông Kluge nói.

Giám đốc khu vực Châu Âu của WHO đưa ra bình luận nói trên khi đề cập lo ngại về tình hình trên lục địa này trước những tháng mùa đông.

Trả lời câu hỏi về việc liệu "Châu Âu một lần nữa có phải là tâm dịch hay không", ông Kluge nêu rõ WHO dự đoán Châu Âu sẽ có khoảng "nửa triệu ca tử vong" vì COVID-19 trước tháng Hai.

Đổ lỗi cho “tin giả” và “nới lỏng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng”, ông Kluge nói rõ rằng các quốc gia phải tiếp tục thực hiện các quy trình an toàn và tiêm vaccine COVID-19, đồng thời đề xuất một “nhóm làm việc ở Châu Âu” để đối phó với những người chỉ trích.

Bất chấp những lo ngại về tình hình ở Châu Âu, Giám đốc WHO nói rõ rằng tình hình sẽ rất “khó khăn” nếu không có việc triển khai vaccine hiệu quả cho đến nay ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, để việc tiêm chủng có hiệu quả đầy đủ, ông Kluge nhấn mạnh rằng các quốc gia phải “không bỏ sót ai” và tập trung vào các mũi tiêm nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em để tối đa hóa độ bao phủ vaccine và giảm sự lây lan của virus.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 424.103 trường hợp mắc COVID-19 và 5.969 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 251,9 triệu ca, trong đó trên 5 triệu ca tử vong.

Trong vài ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày có xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở Châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở Châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Theo AP, trong 2 tháng qua, hàng trăm người đã chết mỗi ngày do COVID-19 ở Romania - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát COVID-19 ảnh hưởng mạnh ở những quốc gia Trung và Đông Âu. Với dân số 19 triệu người, Romania hiện có tỉ lệ tử vong cao nhất ở Châu Âu.

Tuần này, Áo cấm những người chưa tiêm vaccine COVID-19 vào các nhà hàng, khách sạn khi số ca bệnh trong nước tăng cao. Iceland áp đặt lại quy định về khẩu trang và các quy tắc giãn cách xã hội khi lây nhiễm có chiều hướng tăng lên.

Tỉ lệ mắc bệnh ở Đức đang phá kỷ lục hàng ngày. Ngày 9.11, Đức ghi nhận tỉ lệ nhiễm cao nhất trong 7 ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 213,7 ca trên 100.000 người, theo Viện Robert Koch (RKI). Một số bang miền đông nước Đức, như Sachsen và Thuringia, có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn gấp đôi, ở mức hơn 400.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có bài phát biểu toàn quốc khi số ca bệnh đang tăng ở nước này. Ông Emmanuel Macron cho biết, từ ngày 15.12, những người trên 65 tuổi ở Pháp sẽ cần xuất trình bằng chứng về liều tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại khi đến nhà hàng, tham dự các sự kiện văn hóa và đi tàu liên thành phố.

Vương quốc Anh cũng đối mặt với loạt các ca bệnh mới vài tháng sau lễ ăn mừng "Ngày Tự do" đánh dấu việc loại bỏ hầu hết tất cả các hạn chế ngừa COVID-19 ở nước này hồi cuối tháng 7. Tuy nhiên, khác với các nước láng giềng Châu Âu, Anh không có kế hoạch sớm nối lại các biện pháp hạn chế ngừa COVID-19. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn