MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam phát triển điện gió, thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng. Ảnh: TTXVN

WHO hoan nghênh cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu

Song Minh LDO | 08/04/2022 07:50

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra.

Phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 2022 ngày 7.4 với chủ đề "Hành tinh của chúng ta, Sức khỏe của chúng ta", Tiến sĩ Kidong Park nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã cho thấy thế giới bị tổn thương, cuộc sống sinh kế toàn cầu bị đe dọa thế nào. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây lũ lụt, mưa lớn, hạn hán, sóng nhiệt, cháy rừng thường xuyên, đồng thời dẫn đến các bệnh truyền nhiễm. Những nguyên nhân từ môi trường gây ra 13 triệu ca tử vong trên thế giới mỗi năm đều có thể phòng tránh được. Hơn 90% người dân hít thở không khí không trong lành, do sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo Tiến sĩ Kidong Park, Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, hơn 70% người dân Việt Nam đối mặt thiên tai hàng năm...

"WHO kêu gọi chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chia sẻ hành động để bảo vệ hành tinh và sức khỏe của con người. WHO kêu gọi mọi người thực hiện biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu lên phát triển. Tại Việt Nam hôm nay, WHO phát động chiến dịch Thay đổi vì biến đổi khí hậu" - Tiến sĩ Kidong Park kêu gọi. 

Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam nhắc lại rằng, tháng 11 năm ngoái tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết quan trọng giảm phát thải khí thải nhà kính bằng 0 vào năm 2050. "Sự cam kết này không chỉ vì phát triển bền vững ở Việt Nam mà còn vì sức khỏe của người dân Việt Nam. WHO hoan nghênh cam kết của Việt Nam và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra. WHO sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để bảo vệ hành tinh của chúng ta, sức khỏe của chúng ta, xây dựng các cơ sở y tế có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng sự bao phủ của nguồn nước hợp vệ sinh, làm sạch môi trường trong các cơ sở y tế, khuyến khích người dân tham gia thay đổi vì biến đổi khí hậu" - Tiến sĩ Kidong Park cho hay.

Cũng tại buổi thảo luận, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt ngày nay. Khủng hoảng khí hậu cũng là khủng hoảng sức khỏe. 

Tiến sĩ Kasai cho biết, tầm nhìn "Vì tương lai" của WHO đặt biến đổi khí hậu và sức khỏe môi trường làm ưu tiên. WHO cam kết hành động đối với những gì ngành y tế có thể làm được. Tuy nhiên các mục tiêu rộng hơn như giảm lượng phát thải đòi hỏi hành động liên ngành. "Việt Nam đang cho thế giới thấy các hành động của quốc gia và địa phương có thể giúp giải quyết vấn đề toàn cầu thế nào. Không ai miễn nhiễm với tác động của biến đổi khí hậu. Đại dịch là một lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng sức khỏe của chúng ta và hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện có rất mong manh. Sự cấp bách đối với hành động của tất cả mọi người nhằm bảo vệ hành tinh và sức khỏe của chúng ta không phải ngày mai nữa mà là ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta phải thực hiện phần việc của mình bằng cách cam kết thay đổi vì biến đổi khí hậu. Thay đổi nghĩa là cam kết vì sức khỏe cho tất cả mọi người, làm xanh hóa môi trường" - Tiến sĩ Kasai nhấn mạnh. 

Tiến sĩ Kasai cho biết, WHO cam kết tiếp tục làm việc với Một Liên Hợp Quốc và các đối tác để hỗ trợ chính phủ thực hiện các mục tiêu trong ứng phó biến đổi khí hậu, cùng các mục tiêu khác như giảm phát thải nông nghiệp, cung cấp quản lý chất thải, cấm các hóa chất phá hủy tầng ozone, và thúc đẩy chương trình nghị sự về không khí sạch, sức khỏe và khí hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn